Nhiều ca nguy kịch và tử vong do kháng kháng sinh
Trẻ nhỏ dùng kháng sinh có liên quan đến nguy cơ mắc dị ứng, béo phì "Thế giới có thể bước vào kỷ nguyên không còn kháng sinh" |
Tại lễ hưởng ứng tuần lễ nâng cao nhật thức về phòng chống kháng thuốc, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức cao.
Kết quả khảo sát mới nhất của WHO tại 16 bệnh viện trọng điểm cho thấy, vi khuẩn Acinetobacter có tỉ lệ kháng thuốc nhóm Carbapenem lên tới 82%. Acinetobacter là loại vi khuẩn thông thường gây viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết liệu, trong khi Carbapanem là thế hệ kháng sinh mới nhất, quý nhất hiện nay.
“Với tình trạng này, nếu chúng ta không sử dụng kháng sinh hợp lý, bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội điều trị, bác sĩ mất đi vũ khí chiến đấu ngay với các bệnh nhiễm khuẩn thông thường”, TS Park cảnh báo.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là nguyên nhân gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Tại Việt Nam càng đáng báo động hơn khi đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.
Mỗi năm thế giới có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và mất đi chi phí hàng chục tỉ đô la cho vấn đề này. Theo tính toán, đến năm 2050 tỉ lệ tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể lên đến 10 triệu người/năm.
Số lượng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng song nhiều thập kỷ qua, đầu tư cho nghiên cứu kháng sinh mới ngày càng giảm. Năm 2010, có 18 công ty sản xuất kháng sinh, đến nay chỉ còn 4. Từ năm 2008 đến nay, không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra.
TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thêm, tại các bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương… đều đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh và đã có những bệnh nhân tử vong.
Gần đây nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã phát hiện vài trường hợp nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh nhất colistin.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, thống kê cho thấy có khoảng 40-60% ca chuyển tuyến đều đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh.
Khoa Cấp cứu A9 đang điều trị cho nam bệnh nhân 71 tuổi từ Ninh Bình chuyển lên do viêm phổi trên nền đái tháo đường, gout. Trước đó bệnh nhân đã điều trị 10 ngày nhưng không tiến triển, biểu hiện nhiễm trùng ngày càng nặng dù đã dùng kháng sinh mạnh.
BS Nguyễn Hữu Quân, khoa Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Các bác sĩ phải tiến hành kỹ thuật đặc biệt để định danh vi khuẩn, sau đó mới đánh giá xem còn loại kháng sinh nào có giá trị với bệnh nhân. Hiện tình trạng bệnh nhân đang rất nặng.
BS Quân thăm khám cho nam bệnh nhân kháng kháng sinh đang điều trị tại khoa
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, tỉ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Như vậy, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc xảy ra nhiều bệnh viện chứ không chỉ ở trung tâm lớn. Đây là một thực trạng đáng buồn.
“Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc nhập viện”, PGS Chi chia sẻ.
Nghiên cứu tại nhiều bệnh viện năm 2018 cũng cho thấy, Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Vì vậy, trong khi nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Hiện tại, Bộ Y tế đang thực hiện đề án tăng cường việc mua thuốc theo đơn, kiểm soát việc bán thuốc kê đơn cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc thực hiện quy định về kê đơn.
Bộ Y Tế, Bộ NN&PTNT cùng các Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc cũng cam kết phối hợp, chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh từ các bệnh viện, khu chăn nuôi, hay trong các hộ gia đình.