Nhận diện các “địa chỉ” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã có buổi giám sát chuyên đề với UBND thành phố và các Sở, ngành liên quan về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thực trạng lãng phí tại các cơ quan Nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Phải làm đến nơi đến chốn

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Các đại biểu Quốc hội; Đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của thành phố.

Quang cảnh buổi giám sát
Quang cảnh buổi giám sát

Báo cáo tại buổi giám sát do Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu trình bày cho biết, trong những năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thành phố triển khai chủ động, kịp thời. Hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước được chú trọng; Quản lý chặt chẽ nguồn thu; Nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào việc đóng góp cho ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách lớn do thiên tai, dịch bệnh, nhờ việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đem lại nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Nhận diện các “địa chỉ” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu báo cáo tại buổi giám sát

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hoàn thành vượt dự toán được giao; Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững, trong đó tăng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố. Chi ngân sách của thành phố đã đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ của địa phương, thành phố... Giai đoạn 2016-2021, toàn thành phố đã tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán ngân sách Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi quản lý hành chính hơn 3.000 tỷ đồng; Tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức gần 4.000 tỷ đồng…

Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát nhận định, thành phố đã có những chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt đã có sự thay đổi về chi thường xuyên với mức chi thấp so chỉ tiêu chung cả nước.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, thành phố cần bổ sung thêm kết quả việc thực hiện công tác đầu tư công, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước...

Nhận diện các “địa chỉ” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai điều hành phần thảo luận buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, Quốc hội đã đổi mới hoạt động giám sát, giao cho Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương sau đó tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, dù nội dung giám sát phủ rộng ở các lĩnh vực, liên quan đến các cấp, các ngành, Đoàn giám sát vẫn đặt mục tiêu qua giám sát phải nhận diện được địa chỉ cơ quan, đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tốt, chưa tốt ở đâu? Từ đó kiến nghị các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo, nhất là trong đầu tư công, quản lý tài nguyên đất đai, chi thường xuyên…

Đây cũng là cơ hội để UBND TP và các Sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại được những việc làm tốt để nhân rộng, việc chưa tốt để rút kinh nghiệm.

Nhận diện các “địa chỉ” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi giám sát

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố đã ban hành các chương trình công tác, kế hoạch; HĐND TP cũng ban hành các cơ chế chính sách, tổ chức chất vấn, giám sát, tái giám sát đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật để nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực này nhằm đạt kết quả phải thực chất, hiệu quả, tránh hình thức.

Trước mắt, UBND TP cần xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể từng mục tiêu, chỉ tiêu, gắn với đặc thù của từng ngành, từng cấp. Đồng thời nhận diện rõ những thất thoát, lãng phí ở từng lĩnh vực, cả ở khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước; Từ đó xác định trọng điểm cần phải tiết kiệm, tránh thất thoát, nhất là trong đầu tư công, sử dụng tài sản công.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các đơn vị phổ biến, nhân rộng các mô hình, cách thức làm hay trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào các lĩnh vực, để việc tiết kiệm là thường xuyên, khoa học, thực chất, tránh hình thức.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động