Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khích lệ doanh nhân dám làm, dám dấn thân

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân kiến nghị Nhà nước có chính sách phù hợp, hiệu quả để đánh thức, khích lệ doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân...
Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam sẽ là điểm đến của rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia Nhật Bản Khôi phục niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nghiệp, doanh nhân

Đây là ý kiến chung của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tại buổi gặp gỡ Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chiều 2/4.

Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nhân tư nhân tiêu biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, phù hợp với quy mô và đặc thù của từng phân khúc doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp,...

Theo đó, các doanh nhân kiến nghị, nhà nước cần có các chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững, cạnh tranh bình đẳng, tạo ra những bước đột phá phát triển doanh nhân tư nhân. Có chính sách bảo hộ thương hiệu quốc gia, doanh nhân tư nhân đã đạt được.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn trong trạng thái "ngủ đông" sau đại dịch COVID-19, đại diện doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách phù hợp, hiệu quả để đánh thức, khích lệ doanh nhân, doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo ra những giá trị mới cho đất nước.

Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khích lệ doanh nhân dám làm, dám dấn thân
Theo ông Cao Tiến Đoan, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cần quyết tâm "lấy tâm làm trọng, lấy kết quả để khẳng định mình". Ảnh VGP.

Cộng đồng doanh nhân tư nhân Việt Nam cam kết sẽ mang hết Tâm – Tài – Trí – Tín để cống hiến, phụng sự cho sự phát triển của đất nước.

Về vấn đề vốn, đại diện doanh nghiệp cho rằng: "Tiền là máu của nền kinh tế", doanh nghiệp thiếu vốn như thiếu máu, dễ bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.

Do đó, tiếp cận vốn là vấn đề rất quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm, "lấy tâm làm trọng, lấy kết quả để khẳng định mình", cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ nhân lực, thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đại diện các doanh nghiệp tư nhân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải chủ động để nâng cao năng lực tài chính, chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ nhân sự, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, về tín dụng nói riêng, đảm bảo sử dụng nguồn vay an toàn, hiệu quả để gia tăng cơ hội thành công của mình.

Đại diện các doanh nhân cũng kiến nghị một số giải pháp về tài chính để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay như: Tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua các gói tín dụng ưu đãi; tiếp tục có giải pháp giảm thuế, phí phù hợp; nhanh chóng điều chỉnh triệt để hành lang pháp lý về thị trường trái phiếu; tăng cường giám sát, điều tiết về tín dụng, tránh rủi ro cho toàn thị trường và doanh nghiệp…

Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị tạo thuận lợi trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận hệ thống thông tin pháp lý; giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, loại bỏ các rào cản thị trường "giấy phép con", gắn với chế độ giám sát việc thực thi thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển; khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp…

Hậu Lộc
Phiên bản di động