Khôi phục niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nghiệp, doanh nhân
Tập đoàn IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu năm 2022 Chính phủ quyết làm lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán |
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2023, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng một số điều kiện thuận lợi cũng như đứng trước nhiều cơ hội đặc biệt lớn.
Theo đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước dự báo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ là một cú hích thuận lợi cho các doanh nghiệp; thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao trong năm 2022 đem đến kỳ vọng việc triển khai các gói hỗ trợ sẽ diễn ra nhanh hơn trong năm 2023, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quyết tâm của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ đầu tư công cho cơ sở hạ tầng cũng có thể kích hoạt một số lĩnh vực kinh doanh hoạt động khởi sắc hơn trong năm 2023.
Đặc biệt, 15 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực với tổng cộng 53 đối tác thương mại ở 4 châu lục, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp để có thể tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần ở các thị trường.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Việc Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero COVID", mở cửa biên giới trở lại ngay từ đầu năm 2023 sẽ làm giảm căng thẳng về việc đứt gãy chuỗi cung ứng và là cơ hội rất lớn để nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời xu hướng phục hồi và dịch chuyển chuỗi cung ứng theo hướng có lợi cho Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn giúp doanh nghiệp có thể tăng trưởng bứt phá trong năm 2023.
Năm 2023, ngoài kỳ vọng vào sự điều hành chính sách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, nhất là trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cộng đồng doanh nghiệp còn kỳ vọng Chính phủ sẽ có những giải pháp chính sách nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh không những thuận lợi mà còn phải an toàn, qua đó phục hồi niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Tấn Công cần kiên quyết bảo vệ và "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia. Qua đó, xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư.
Cải cách thị trường vốn, thị trường tài chính phải là trọng tâm chính sách trong năm 2023 của Chính phủ.
"Chúng tôi cho rằng không có gì tốt bằng việc cải thiện các yếu tố nền tảng của thị trường như minh bạch thông tin, bảo vệ cổ đông thiểu số, chống gian lận, lừa đảo, giao dịch nội gián, tăng cường các hệ số an toàn ngân hàng, chống sở hữu chéo, giảm nợ công…", ông Công chia sẻ.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, đầu tư hạ tầng đang được cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc này. Cần sớm ban hành được quy hoạch điện VIII và triển khai các dự án giao thông lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, tập trung đầu tư cho khu vực kinh tế phía nam để khắc phục tình trạng hạ tầng xuống cấp ở khu vực này.
"Chúng tôi cho rằng, nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng, vào các dự án công nghiệp không thiếu, quan trọng là sự ổn định chính sách để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư", ông Công nói.
Cũng theo lãnh đạo VCCI, vấn đề cải cách môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại trong các năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhiều bộ, ngành vẫn có chương trình đơn giản hoá thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chỉ là các sửa đổi nhỏ, không có nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng, thực chất.
"Kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mạnh từ sự quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ và mọi cấp chính quyền, để năm 2023 được ghi nhận là năm phục hồi và phát triển đối với doanh nghiệp cả về hoạt động kinh doanh và niềm tin thị trường", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.