Nhà đầu tư điện tái tạo lo vỡ nợ nếu hồi tố giá điện ưu đãi
Thủ tướng: Các dự án điện tái tạo nếu không tháo gỡ ngay sẽ gây lãng phí Chính phủ tổ chức họp gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo |
Theo đó, nội dung bản kiến nghị liên quan đến 173 dự án điện gió và điện mặt trời đã có ngày vận hành thương mại (COD) trước hoặc trong năm 2021, nhưng chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu tại thời điểm này.
Các nhà đầu tư cho rằng chấp thuận nghiệm thu là văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, hoàn thành xây dựng công trình của Bộ Công thương hoặc cơ quan có thẩm quyền. Ở thời điểm các dự án đạt COD đã không yêu cầu chấp thuận nghiệm thu là điều kiện cần đề đạt COD.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2023, dù đã tuân thủ các quy định về năng lượng tái tạo, nhiều dự án đã bị trì hoãn vô thời hạn, hoặc chỉ nhận được thanh toán 1 phần theo hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà không có thông báo về căn cứ pháp lý rõ ràng nào được đề cập trong Kết luận thanh tra ngày 28/4/2023.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Các nhà đầu tư cho rằng tác động của tình trạng này là nghiêm trọng, dẫn đến một số dự án đối mặt với việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ với các tổ chức cho vay trong nước và quốc tế. Cùng đó, việc đề xuất áp dụng hồi tố ngày COD bằng cách xác định điều kiện hưởng giá FIT kể từ ngày cấp chấp thuận đầu tư đã gây lo ngại.
“Nếu được áp dụng, đề xuất có thể dẫn đến thiệt hại tương ứng gần 100% vốn chủ sở hữu của các dự án bị ảnh hưởng, đe dọa hơn 13 tỷ USD đầu tư, đồng thời tạo ra tín hiệu tiêu cực đến các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai”, các nhà đầu tư cho biết.
Theo các nhà đầu tư, nếu sự việc tiếp tục hoặc xấu đi, có thể khiến doanh nghiệp vỡ nợ hàng loạt, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính, suy giảm niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Do vậy, các nhà đầu tư kêu gọi Chính phủ quan tâm đến việc bảo lưu ngày COD ban đầu và giá mua điện FIT đã thỏa thuận theo PPA, cũng như yêu cầu EVN thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
Được biết, việc kiến nghị của các nhà đầu tư có liên quan đến kết luận Thanh tra Chính phủ vào cuối năm 2023.
Cụ thể, kết luận chỉ rõ có 14 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá FIT không đúng đối tượng; 173 nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu; 20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản như Nam Bình 1, Asia Đắk Song 1, Đắk N'Drung 1, 2, 3.
Kiến nghị các giải pháp, Bộ Công thương đã đề xuất EVN cùng các chủ đầu tư dự án xác định lại điều kiện hưởng giá FIT. Những dự án không đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định. Với các dự án này, EVN sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Với phương án xử lý này, theo Bộ Công thương, được đưa ra trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, cũng như ảnh hưởng môi trường đầu tư.