Nguy cơ mất trắng vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng

Nếu tình trạng kinh doanh bết bát cứ kéo dài thì Tổng công ty Sông Hồng buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.
Tổng Công ty Sông Hồng tiếp tục làm ăn thua lỗ Nhiều ''con cưng'' của Bộ Xây dựng kinh doanh bết bát, thua lỗ

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật, tại báo cáo tài chính giữa niên độ 2019 đã được soát xét, tính đến thời điểm ngày 30/6/2019, Tổng công ty CP Sông Hồng gánh khoản nợ phải trả tới 1.620 tỷ đồng, trong đó riêng nợ ngắn hạn đã chiếm tới 1.123 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Hồng lại âm 612,6 tỷ đồng, tăng so với con số 580 tỷ đồng, thời điểm đầu năm 2019; tài sản ngắn hạn cũng chỉ có 535,2 tỷ đồng, điều này dẫn tới mất khả năng thanh toán nghiêm trọng.

nguy co mat trang von nha nuoc tai tong cong ty song hong
Nguy cơ mất trắng vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng.

Đặc biệt, sau soát xét, Tổng công ty Sông Hồng tiếp tục lỗ thêm 32 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến ngày 30/6/2019, tổng công ty lỗ tới 940,1 tỷ đồng. Việc lỗ nặng vượt quá số vốn chủ sở hữu khiến khả năng hoạt động của Tổng công ty Sông Hồng bị nghi ngờ.

"Tại ngày 30/6/2019, lỗ lũy kế của công ty là 940,1 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 612,64 tỷ đồng, kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 lỗ 32,09 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 587,98 tỷ đồng. Những điều kiện này, cùng những vấn đề khác... cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty", đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý việc không thu thập đầy đủ thư xác nhận các khoản nợ phải thu, phải trả của Tổng công ty Sông Hồng tại thời điểm ngày 31/12/2018 và 30/6/2019. Ngoài ra, Tổng công ty Sông Hồng còn phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc (95,43 tỷ đồng) chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) theo bản án kinh doanh, thương mại của TAND TP Hà Nội.

Hơn nữa, tính đến thời điểm ngày 30/6/2019, tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng có có khả năng thu hồi (nợ xấu) của Tổng công ty Sông Hồng là 339,4 tỷ đồng, trong đó giá trị có khả năng thu hồi ước tính chỉ 29,4 tỷ đồng.

Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Tổ đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng cho rằng, nếu tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước. Tính đến ngày 30/6/2019, phần vốn nhà nước còn lại tại Tổng công ty Sông Hồng là 132,4 tỷ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Được biết, Tổng Công ty Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng và nhiều lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành vào tháng 8/2017, Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Hồng trong năm 2017. Với tình cảnh thua lỗ triền miên của Tổng Công ty Sông Hồng hiện nay thì có lẽ công cuộc thoái vốn sẽ còn kéo dài, chứ không muốn nói là rất khó bán vốn.

Văn Huy
Phiên bản di động