Người Hà Nội phát huy truyền thống tương thân, tương ái
Những tấm lòng vàng
Đã gần 1 tuần kể từ khi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân – Hà Nội) nhưng dường như ai nấy nghe tin đều chưa hết bàng hoàng và xót thương cho các nạn nhân. Vụ cháy đã để lại hậu quả chưa từng có: 56 người thiệt mạng, trong số ấy, có những em nhỏ còn học mầm non, có em vừa bước chân vào ngưỡng cửa đại học với tương lai còn phía trước. Riêng trường THCS Khương Đình có tới gần chục học sinh đã tử vong trong vụ hỏa hoạn này. Có gia đình 7 người thì nay không còn một ai… Nỗi đau, sự mất mát ấy của họ không gì bù đắp nổi. Nhưng trong hoạn nạn, tinh thần tương thân tương ái của đồng bào, tình làng nghĩa xóm, sợi dây cố kết cộng đồng ấy một lần nữa lại được thắp sáng.
Không ngừng ngóng tin tức, dõi theo vụ hỏa hoạn, chị Nguyễn Thu Hậu (trú tại ngõ 250 phố Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, để chia sẻ một phần khó khăn với các gia đình nạn nhân vụ cháy, gia đình chị Hậu quyết định dành cả không gian tầng 1 và 2 của căn nhà vừa mới xây tại ngõ 250 Nguyễn Xiển cho các hộ dân khó khăn chưa thể tìm được chỗ ở. Chị Hậu cho biết, mỗi sàn rộng hơn 100m2 và có nhà tắm, công trình phụ khép kín. Gia đình chị cũng sẵn sàng hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí cho các hộ dân.
Căn hộ được chị Nguyễn Thu Hậu chuẩn bị sẵn sàng để đón gia đình các nạn nhân đến ở cho tới khi cuộc sống ổn định |
"Chúng tôi cũng muốn góp chút sức lực nhỏ để hỗ trợ các gia đình nạn nhân vụ cháy. Người dân có thể ở cho đến khi cuộc sống ổn định. Trong hoạn nạn càng cần phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau. Người mất đã mất, người còn sống vẫn phải tiếp tục sống nên hãy chung tay giúp họ vượt qua khó khăn” – chị Hậu bày tỏ.
Không chỉ chị Hậu, rất nhiều người dân Hà Nội đã tình nguyện tương trợ cho các gia đình bị nạn. Không ai bảo ai, nhiều hộ dân sống xung quanh chung cư mini bị cháy đã tự nguyên dành phòng trống để hỗ trợ các gia đình không có tiền thuê nhà vào ở tạm. Với tinh thần, ai có nhiều hỗ trợ nhiều, ai có ít hỗ trợ ít, họ đã dành gạo, sữa, quần áo, giầy dép trong nhà để hỗ trợ cho các gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ.
Tại Nhà văn hóa khu dân cư số 8, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), mấy hôm nay, rất nhiều mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân đến ủng hộ. Ai cũng hiểu rằng, tình xóm giềng ấm áp sẽ phần nào an ủi người bị nạn khi mà hiện tại, trong tay họ hiện chẳng còn gì ngoài đôi bàn tay trắng, mất người thân hay người thân nguy kịch trong bệnh viện.
HÌnh ảnh một cụ già đã đến trụ sở UBND phường Khương Đình ủng hộ các nạn nhân được phóng viên ghi lại vào trưa ngày 15/9 |
Không còn đơn độc
2 vợ chồng chị Đặng Thị Hải Yến và con trai là nạn nhân sống sót của vụ hỏa hoạn, hiện đang nằm theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Liên tục nhận được sự thăm hỏi của các cơ quan, đoàn thể thành phố Hà Nội và người dân, chị Yến xúc động, chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô: “Chúng tôi may mắn sống sót. Không tiền, không đồ đạc, không chỗ ở, nhà cháy, tài sản mất hết nhưng từ hôm xảy ra tai nạn đến nay, tôi nhận được rất nhiều lời thăm hỏi, động viên của người thân, bạn bè, hàng xóm và cả những người không quen biết. Sự hỗ trợ đó khiến vợ chồng tôi bớt hoang mang hơn vì không biết ngày mai sẽ ra sao, ở đâu, sống như thế nào khi mọi thứ trong chốc lát mất hết. Sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng giúp tinh thần chúng tôi vững vàng và phục hồi sức khỏe tốt hơn” – chị Yến nói.
Đại diện Chi đoàn Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thăm hỏi, tặng quà vợ chồng chị Đặng Thị Hải Yến, nạn nhân vụ cháy chung cư mini, đang điều trị tại BV Xanh Pôn. |
Đồng cảm với nỗi đau và sự mất mát của các nạn nhân, nhiều cá nhân, tập thể đã vào cuộc, chung tay hỗ trợ các cá nhân và thân nhân người bị nạn. Nhiều trường học cũng đã phát động quyên góp, ủng hộ để chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của người ở lại.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, để kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thương vong do vụ hỏa hoạn, Ban Biên tập nhanh chóng giao cho Chi đoàn báo đã thực hiện kêu gọi các nhà hảo tâm, cùng cán bộ, phóng viên báo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn, các nạn nhân là học sinh đang theo học tại các trường của thành phố bảo đảm kịp thời. Ngày 14/9, Chi đoàn Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ đợt 1 cho gia đình có 7 người thiệt mạng số tiền là 50 triệu đồng và 2 gia đình khác đang điều trị tại BV Xanh Pôn. Tổng số tiền đợt 1, Báo đã trao cho các nạn nhân là 54 triệu đồng. Dự kiến, trong đợt 2, Chi đoàn Báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục trao hỗ trợ 269 triệu đồng cho các nạn nhân và học sinh bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này. |
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ngay sau vụ hỏa hoạn, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn. Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, Hà Nội hỗ trợ 37.000.000 đồng/người thiệt mạng và 12.400.000 đồng/người bị thương.
Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm: 5.000.000 đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10.000.000 đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện; Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể-xã hội.
Đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo UBND Quận Thanh Xuân triển khai công tác hỗ trợ cho các hộ gia đình. Mỗi cá nhân sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng trong thời gian 6 tháng để thuê nhà, hỗ trợ toàn bộ chi phí bệnh viện với người bị thương và hỗ trợ mỗi cháu 5 triệu đồng mua sách vở mới.
Bên cạnh đó, Ban thường trực MTTQ phường Khương Đình cũng đã hỗ trợ ban đầu 40 triệu đồng/người đối với các nạn nhân tại chung cư mini bị cháy.
Chính sự quan tâm sâu sát, sẻ chia đầy trách nhiệm của các cấp, ngành cùng những tấm lòng vàng, đầy tình yêu thương đã và đang tiếp sức cho những số phận đáng thương vượt qua nghịch cảnh. Đồng thời, hành động nhân văn đó đang góp phần lan tỏa và làm giàu thêm truyền thống nhân văn của người Việt nói chung và văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng.