Người dân Thủ đô lên phương án du lịch an toàn trong kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương
Ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương “Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam” với nhiều hoạt động đặc sắc Sẽ bắn pháo hoa tầm cao trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại Phú Thọ |
Mong hết dịch để các chuyến đi thêm trọn vẹn niềm vui
Đã hai năm nay, kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, gia đình chị Nguyễn Hoài Phương (ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) không tổ chức chuyến đi chơi xa nào. Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, gia đình chị chỉ đi loanh quanh trong thành phố Hà Nội hoặc về quê thăm gia đình nội ngoại. Thời gian gần đây, chị Phương liên tục cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước để tổ chức một chuyến du lịch giúp cả nhà giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau khoảng thời gian quá dài phải ở nhà.
Chị Phương tâm sự: “Từ đầu tháng 3, nghe tin tình hình dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp khiến tôi rất lo lắng, phần vì đảm bảo sức khỏe của cả gia đình, phần vì ảnh hưởng đến kế hoạch đã dự định từ trước. Tuy nhiên, những ngày gần đây, qua theo dõi tôi nhận thấy các ca mắc trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước đã giảm đáng kể. Cùng với sự quyết liệt phòng chống dịch của các cấp, ngành nên gia đình tôi yên tâm tận hưởng chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại thành phố đáng sống Đà Nẵng. Hy vọng kỳ nghỉ của gia đình sẽ có nhiều niềm vui”.
Để chuẩn bị cho chuyến đi xa, chị Phương đã tất bật chuẩn bị các đồ dùng để mang theo, trong đó không thể quên được chính là những đồ vật phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, một số loại thuốc cần thiết... “Nhà nước đã cho phép di chuyển bình thường giữa các địa phương nhưng gia đình tôi có hai con nhỏ nên vẫn phải chuẩn bị kỹ cho chuyến đi và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh”, chị Phương nhấn mạnh.
Nhiều người dân Thủ đô lựa chọn phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là điểm vui chơi dịp giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 |
Cũng lên phương án cho những chuyến đi chơi của cả nhà dịp giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 nhưng chị Trần Thị Vân Anh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) lại lựa chọn ở lại Hà Nội và đưa cả gia đình đến những điểm vui chơi trong thành phố.
Chị Vân Anh cho biết: “Nhà tôi có hai cháu nhỏ, một bé 4 tuổi và một bé hơn 1 tuổi. Vì hai bé còn quá nhỏ, không thể tham gia các chuyến đi xa, do đó năm nay vợ chồng tôi quyết định cho con đi chơi vòng quanh Hà Nội. Theo kế hoạch, trong ngày nghỉ đầu tiên, gia đình tôi sẽ cho con đến vườn thú Hà Nội, khu vực phố đi bộ. Sau đó, cả nhà sẽ di chuyển về một homestay tại Khu đô thị Ecopark để nghỉ ngơi hai ngày còn lại”.
Nói về lý do lựa chọn thuê homestay ở khu vực ngoại thành Hà Nội, chị Vân Anh cho rằng: “Tôi đã nghe bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên tại các vùng ven Hà Nội rất nhiều. Ở đó, các con có thể thoải mái nô đùa, hòa mình cùng thiên nhiên. Vợ chồng tôi cũng có thời gian thư giãn sau những ngày làm việc vất vả”.
Gia đình anh Đinh Tùng Huy (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại lựa chọn về quê thăm gia đình vào dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Anh Huy cho biết: “Từ Tết đến nay, do công việc của cả hai vợ chồng tôi đều bận rộn nên chưa có dịp về thăm quê ở Phú Thọ. Đợt này, chúng tôi được nghỉ 3 ngày, do đó cả nhà quyết định về quê thăm ông bà nội ngoại và họ hàng, làng xóm rồi cùng nhau đi thăm khu di tích lịch sử Đền Hùng vào chính hội”.
Dịp nghỉ lễ mùng 10/3 là kỳ nghỉ dài ngày đầu tiên sau dịp Tết Nguyên đán, do đó nhiều người đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình thật ý nghĩa. Tất cả đều chung một mong muốn dịch bệnh nhong chóng được đẩy lùi để cuộc sống của người dân được trở lại như bình thường và các cuộc vui được trọn vẹn.
Đảm bảo an toàn phòng chống dịch
Những ngày qua số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có xu hướng giảm, tỷ lệ bệnh nhân F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Cụ thể, thành phố đã rà soát, kiện toàn, bổ sung lại các tổ theo dõi, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà và tổ COVID-19 cộng đồng với gần 120 nghìn người tham gia. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống y tế cơ sở và sự tham gia của người dân, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã được triển khai hiệu quả.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã "mở cửa" trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng bảo đảm kiểm soát tình hình dịch COVID-19. Vì thế, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Trong đó, thành phố chú trọng công tác phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", tuyệt đối không được chủ quan lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Cán bộ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện sát khuẩn trước khi hướng dẫn du khách về dâng hương |
Dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 cũng gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, bên cạnh việc tổ chức các nội dung phần lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc, phần hội được Ban Tổ chức điều chỉnh để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo không khí vui tươi lành mạnh.
Theo đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với Sở Y tế triển khai phun thuốc khử khuẩn tại các điểm dâng hương, các khu vực trong di tích trước, trong thời gian tổ chức các hoạt động phần lễ. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng bổ sung các biển chỉ dẫn, pa nô tuyên truyền, bố trí dung dịch sát khuẩn tại điểm đón tiếp, các khu vực đền, chùa trong di tích và các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa để người dân thuận tiện sử dụng.
Cùng với đó, hệ thống loa truyền thanh được Khu Di tích lắp dọc đường lên đền để đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở Nhân dân khai báo y tế khi về Đền Hùng và thực hiện quy định “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đi lễ Đền Hùng là tín ngưỡng, nét văn hóa tâm linh của người Việt. Để lễ giỗ tổ Hùng Vương diễn ra an toàn, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, cơ quan chức năng, mỗi người dân khi hành hương cần có ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.