Người dân chung cư mách nhau cách đối phó với hoả hoạn

Trang bị sẵn các vật dụng thoát hiểm như thang dây, búa, hoặc bình tĩnh áp dụng các kỹ năng thoát nạn là những bài học mà người dân sinh sống tại các chung cư truyền tai nhau để đối phó với nguy cơ hoả hoạn.
Những kỹ năng giúp trẻ thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn

Sẵn sàng phương án khi xảy ra hoả hoạn

Vụ cháy tang thương xảy ra tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân làm nhiều nạn nhân thương vong trở thành nỗi thấp thỏm bất an với khá đông người dân sinh sống tại các toà nhà cao tầng ở Hà Nội.

Khảo sát trên các nhóm cư dân, phóng viên ghi nhận đa phần các cuộc trao đổi để xung quanh phương cách ứng phó trong trường hợp hoả hoạn chẳng may xảy ra. Trong số rất nhiều những tư vấn đúng đắn, vẫn còn không ít nhận thức sai lầm.

Chị Trần Thị Trang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân tôi và gia đình từ trước đến nay đều không được trang bị kiến thức về phòng cháy, càng không có kỹ năng thoát hiểm một khi xảy ra cháy. Vừa rồi, vụ cháy với hậu quả nặng nề tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân đã khiến chúng tôi rất lo lắng, thậm chí là sợ hãi. Từ hôm qua đến nay, tôi hầu như dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các biện pháp để cứu nạn một khi xảy ra cháy ở chung cư".

Người dân chung cư mách nhau cách đối phó với hoả hoạn
Các hộ dân cần được trang bị kiến thức và phương án thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn

Sau thời gian tìm hiểu, chị Trang quyết định đặt mua một số trang bị phòng cháy, cứu hoả và cứu nạn. Cụ thể là bình chữa cháy xử lý ban đầu, mặt nạ chống khói và thang dây inox.

Chị hào hứng nói như một chuyên gia đích thưc: "Bình chữa cháy trên thị trường có 3 loại: bình bột khô, bình CO2 và bình dung dịch. Với bình bột khô và bình CO2 có nhiều trọng lượng khác nhau từ 2 - 8kg với giá từ 350.000 - 520.000 đồng tùy theo trọng lượng. Với mục đích sử dụng trong gia đình, tôi đã quyết định chọn mua loại bình bột khô ABC 2kg".

"Đối với mặt nạ chống khói, mặt hàng này khá đa dạng chủng loại trên thị trường như loại trùm kín đầu, tránh được lửa táp của Đài Loan sản xuất, có kính chống nóng, hỗ trợ thoát nạn 30 phút với đầu lọc phin than hoạt tính, giá khoảng 300.000 đồng/cái. Ngoài ra, còn có mặt nạ của Mỹ giá 1,8 triệu đồng, loại này có thời gian sử dụng dài hơn và có thể lọc khí độc", chị Trang chia sẻ thêm.

Ngoài các dụng cụ trên, cư dân chung cư cũng đặt mua thêm búa thoát hiểm hay mền chống cháy.

"Không ai mong muốn hoả hoạn xảy ra, nhưng tinh thần là lúc nào cũng phải sẵn sàng ứng phó", chị Trang bày tỏ.

Cần lắm sự bình tĩnh!

Từ thực trạng hoả hoạn xảy ra tại các chung cư, cơ quan chức năng khuyến cáo, mỗi nhà, mỗi gia đình phải chủ động trong việc xây dựng phương án xử lý sự cố cháy nổ trong nhà mình.

Những kế hoạch, phương án này phải phổ biến cho từng thành viên trong gia đình và được ghi nhớ để khi tình huống cháy xảy ra có thể chủ động thoát nạn.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi xảy ra đám cháy, việc đầu tiên bạn cần làm là phải hết sức bình tĩnh để tìm cách xử lý.

Người dân chung cư mách nhau cách đối phó với hoả hoạn
Bình tĩnh xử lý khi xảy ra hoả hoạn

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chia sẻ: "Cách tốt nhất mà bạn cần làm khi phát hiện cháy là phải tìm cách dập lửa ngay lập tức bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước hoặc những thứ khác mà bạn có thể kiếm được quanh đó có khả năng dập lửa. Trong trường hợp đám cháy quá lớn và bạn không thể dập lửa thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm. Hãy hét lên cho mọi người trong nhà biết để cùng thoát hiểm, ngay sau đó lập tức ấn máy gọi 114 để được trợ giúp".

Đối với những người dân sinh sống tại chung cư, chuyên gia cho rằng rất cần phải biết cách đến cầu thang hay các lối thoát hiểm phòng trường hợp rủi ro. Khi thoát hiểm, đừng cố mang theo những đồ có giá trị, những vật nặng chiếm diện tích, ảnh hưởng đến quá trình thoát hiểm.

"Hầu hết mọi người đều do hít phải khói độc của vụ cháy, không có oxy để thở dẫn đến ngạt. Chính vì vậy, bạn hãy bò trên sàn nhà nếu có khói vì đây là nơi mà không khí sẽ thoáng và sạch nhất. Bạn nên để mũi càng thấp càng tốt, nhớ rằng khói rất độc và chúng có thể sẽ giết bạn", chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyên gia cũng đề xuất chính quyền và lực lượng chức năng nên thường xuyên tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy ở các khu dân cư, thông qua đó không chỉ nhắc nhở cung cấp thêm kiến thức phòng cháy nổ mà còn có thể tập huấn được những kỹ năng thoát nạn mà mỗi người dân có thể thực hiện được.

Vũ Cường
Phiên bản di động