Cần đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội
Ngày 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô nhằm lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh chủ trì hội nghị.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị |
Xem việc nợ bảo hiểm xã hội như hành vi trốn thuế
Báo cáo tại hội nghị về tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng báo cáo tại hội nghị |
Tại buổi tiếp xúc cử tri, chị Hà Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy cho rằng, khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cả người sử dụng lao động và người lao động cũng đã phải trích một khoản tiền nhất định để nộp vào quỹ bảo hiểm, đồng nghĩa với việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, khi người lao động vì một lý do nào đó không còn đi làm, không có nhu cầu tham gia bảo hiểm và muốn rút một lần thì nên để quyền quyết định cho đối tượng được hưởng phúc lợi chính là người lao động.
Bên cạnh đó, chị Hà Phương Anh cũng đề nghị điều chỉnh quy định điều kiện nghỉ hưu là đủ 60 tuổi đối với lao động nam và 55 tuổi đối với lao động nữ. Với người lao động, đặc biệt là lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, ngoài 50 tuổi sức khỏe đã giảm sút, năng suất lao động sẽ không cao.
Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề cập việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, đoàn viên công đoàn, người lao động bày tỏ sự ủng hộ đề xuất sửa đổi này và cũng xem đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm dẫn tới việc mức lương hưu của người lao động cũng thấp, sau này người lao động cũng không bảo đảm mức sống tối thiểu. Do vậy, số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện dựa trên các thông số tài chính, xã hội, lao động, con người…
Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cầu 14 đề nghị, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hoặc các văn bản dưới luật cần quy định rõ ràng, cụ thể chi tiết các yếu tố cấu thành tiền lương (mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung) làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; Có thể quy định khung cho các yếu tố này giống như quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mức thấp nhất, mức cao nhất.
Về vấn đề chậm, nợ đọng bảo hiểm, theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến tháng 8/2023, thành phố có hơn 83.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên với số tiền nợ trên 5.300 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu người lao động. Tại hội nghị, một số đoàn viên công đoàn đề nghị phải xem việc nợ bảo hiểm xã hội như hành vi trốn thuế, từ đó có phương pháp xử lý tương ứng để khắc phục tình trạng này.
Mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội
Về vấn đề nhà ở, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, dự án nhà ở của thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động, còn lại hơn 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.
Chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Suncall Technology Việt Nam đánh giá, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa tập trung đầy đủ vào việc đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng mua nhà thương mại, cần thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội.
Về vay vốn, chị Trang cho rằng, nếu không có chính sách được ưu đãi về vốn vay phù hợp cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và người mua nhà thì chính sách phát triển nhà ở xã hội của nhà nước bị triệt tiêu hoàn toàn giá trị tốt đẹp, mục đích của chế độ an sinh xã hội cũng không đạt được.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội. Việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ lạm phát giá nhà, bảo đảm tính công bằng trong việc phân phối nhà ở cho người dân, tính khả thi của chính sách nhà ở xã hội, giúp người dân có điều kiện mua nhà với giá hợp lý.
Quang cảnh hội nghị |
Quan tâm đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chị Trương Hải Yến, nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nhận định, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa tốt, chưa có sức thu hút và chưa sử dụng đúng nhân lực… gây lãng phí nhân tài. Trong dự thảo Luật Thủ đô mới thể chế hóa các nội dung về thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi nguồn nhân lực được đề cập trong dự thảo Luật lại khá khiêm tốn.
Vì vậy, chị Trương Hải Yến đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm của người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai trân trọng cảm ơn các đại biểu đã góp ý vào các dự thảo Luật. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.