Nghịch lý dân thiếu nhà ở nhưng dự án lại bỏ hoang gây lãng phí
Quy định rõ về phòng cháy với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh |
Người thì khao khát có nhà, dự án lại bỏ hoang
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Các đại biểu phản ánh tình trạng đầu cơ, thổi giá bất động sản cần có giải pháp xử lý căn cơ, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho biết, qua giám sát, có nhiều thời điểm xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, không chỉ ở nội đô, trung tâm các thành phố lớn, mà còn diễn ra ở các khu vực ven đô.
Đặc biệt, qua các phiên đấu giá, có hiện tượng một nhóm người, tổ chức liên kết với nhau để đặt giá cao, bỏ cọc để tạo nên mặt bằng giá mới, gây sốt ảo cho thị trường bất động sản.
Trên thực tế, cũng có rất nhiều dự án bất động sản dang dở, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực trong khi đó người dân đang thiếu nhà ở. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chính sách, pháp luật của Việt Nam thay đổi nhanh, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất, còn chồng chéo, vướng mắc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM). |
Tương tự, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc trước tình trạng người thì khao khát có nhà, nhưng trên đường phố có nhiều nhà bỏ trống, dự án nhà ở bỏ hoang, gây lãng phí.
Còn theo đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), bất cập lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là “lệch pha” giữa giá nhà và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu về nhà ở. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu nhưng tại một số địa phương đang dư thừa, do quy hoạch, vị trí nhà ở xã hội không phù hợp.
Cho triển khai dự án đã có kết luận thanh tra, bản án
Nêu giải pháp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) ủng hộ Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, đã có bản án và những dự án đã được các cấp có thẩm quyền kết luận và trách nhiệm đã được xử lý hết.
Theo đại biểu Hùng, đây là một trong những giải pháp hiệu quả để triển khai tiếp các dự án đang bỏ hoang gây lãng phí. Theo ước tính có tới hàng vạn căn hộ có thể được đưa vào sử dụng, nếu chúng ta triển khai sớm chủ trương này.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình). |
Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất triển khai các dự án nhà ở thương mại thông qua chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đất có thể chuyển sang thực hiện các nhà ở xã hội, mà không cần có đất ở như các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, cần tiếp tục rà soát những dự án, nếu đã xử lý sai phạm cần có phương án tiếp tục triển khai, vừa chống lãng phí, vừa đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân.
Đại biểu Ngân cũng cho rằng, điều mong muốn nhất của người dân là có nhà ở, chứ không phải là sở hữu căn nhà, bởi thu nhập không đủ dư để mua nhà. Vì vậy, cần phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân, Chính phủ và các địa phương nên dành nguồn đất ưu đãi để các doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cho người lao động.
Cũng đưa ra giải pháp, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần tạo được nguồn cung bất động sản. Trong đó, nguồn cung có thể khởi tạo nhanh nhất và kịp thời nhất là gỡ được vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai nhưng gặp một số vướng mắc nên đình trệ.
Theo đại biểu Hiếu, tháo gỡ được vướng mắc này không chỉ nâng cao hiệu quả, giúp phục hồi mà còn tạo ra nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Để làm được điều này, cần rà soát tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, với quan điểm rõ ràng, thống nhất, đó là nhìn vào lợi ích tổng thể, lợi ích chung của xã hội để so sánh giữa việc dừng dự án và tiếp tục triển khai, phương án nào có lợi hơn.
"Có những dự án đã triển khai, chuẩn bị hoàn thành, thậm chí bán cho người dân, nếu quay trở lại làm các thủ tục pháp lý từ đầu thì phí tổn lớn hơn so với lợi ích, thậm chí không thể làm lại được", đại biểu Hiếu nêu vấn đề.
Chia sẻ tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến chống lãng phí - đây cũng là vấn đề khiến người dân rất bức xúc: “Dân hỏi nhưng không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng cả chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chiu trách nhiệm?”. |