Nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên và sự vô lý ở một nghị định

Chỉ trong một tuần kêu gọi sự đóng góp tiền của để giúp đỡ người dân miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên đã tiếp nhận được từ đông đảo người hảo tâm trên cả nước số tiền trên 100 tỉ đồng.
"Nàng thơ" của ca sĩ Hoàng Dũng Âm nhạc trẻ Việt Nam tìm về truyền thống: Hướng đi tích cực, đột phá Ca sĩ Hàn bị tẩy chay vì đùa nhiễm nCoV

Cùng với ca sĩ Thủy Tiên, nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu… cũng đang đích thân quyên góp, lặn lội đến tận nơi (Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…) để trực tiếp thăm hỏi, trao những khoản tiền cứu trợ khá lớn cho bà con vùng lũ.

Cứ tưởng chuyện rất đáng khen ngợi, đáng được nhân rộng để bà con bị thiên tai sớm khắc phục thiệt hại nhưng lại đang có sự băn khoăn về tính hợp pháp của hoạt động cứu trợ tự phát nêu trên.

Cần lưu ý là Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân, nhóm người như trên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên và sự vô lý ở một nghị định - ảnh 1
Sau một tuần cứu trợ miền Trung, vào chiều tối 20-10, ca sĩ Thủy Tiên đã về TP.HCM. Ảnh: zing.vn

Theo Điều 5 của nghị định này, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.

3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Cũng theo Điều 5, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên và sự vô lý ở một nghị định - ảnh 2
Nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên và sự vô lý ở một nghị định - ảnh 3
Ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp mang hàng, tiền đến cứu trợ đồng bào miền Trung. Ảnh: FBNV

Cùng với đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính còn đề ra thêm hạn chế ngặt nghèo hơn so với Nghị định 64/2008. Theo thông tư này thì báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).

Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì xem như ca sĩ Thủy Tiên, nhiều nghệ sĩ khác, những cá nhân, doanh nghiệp… có nghĩa cử đẹp tương tự đã… vi phạm vào sự cấm đoán của Nghị định 64/2008.

Không chỉ có họ, nhiều báo, đài cũng vi phạm thông tư trên khi đã và đang tổ chức giao trực tiếp tiền, hàng cứu trợ cho bà con chứ không giao nộp cho Ban cứu trợ cùng cấp như yêu cầu của thông tư.

12 năm trước, có lẽ lo ngại về sự vụ lợi và không nhìn thấy được nhu cầu, tiềm năng, hiệu quả của những hoạt động thiện nguyện của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức không thuộc nhà nước nên Nghị định 64/2008 mới có những hạn chế không hợp lý như trên.

Theo thời gian, sự bất hợp lý đó ngày càng lộ rõ và dẫu không muốn vi phạm thì nhiều cá nhân, tổ chức thật sự có tấm lòng và năng lực quyên góp tiền, hàng cứu trợ cũng không thể nào máy móc tuân thủ.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong các yêu cầu của văn bản pháp luật là phải đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong các văn bản cùng tính khả thi, hiệu quả, kịp thời, dễ thực hiện...

Vì lẽ này, những quy định gây trở ngại cho tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hoạt động hay tiếp nhận cứu trợ nhân đạo của Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính cần phải được nhanh chóng hủy bỏ.

Nguồn: PLO
plo.vn
Phiên bản di động