Ngành thuế tăng cường hoãn xuất cảnh người cố tình trây ỳ nợ thuế
Sau án phạt, Tập đoàn Sơn Hải lại bị “bêu tên” vì nợ thuế ở Hà Tĩnh Nợ thuế làm gần 18.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh |
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thời gian qua, cơ quan này đã quyết liệt chỉ đạo các Cục Thuế địa phương bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp cưỡng chế, đẩy mạnh việc nâng cấp ứng dụng hỗ trợ việc triển khai thu nợ thuế, như đã thực hiện nâng cấp nhiều phiên bản ứng dụng công nghệ thông tin trong đó có nâng cấp chức năng tại phân hệ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS), đẩy mạnh triển khai xây dựng một số ứng dụng như ứng dụng công nghệ trợ lý ảo trong công tác quản lý nợ, trên eTax mobile và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Trên cơ sở đánh giá tình hình nợ thuế, để tăng cường công tác quản lý và thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh yêu cầu Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế các địa phương kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế phải tiếp tục rà soát, phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo, đặc biệt là các khoản mới phát sinh sau khi hệ thống chốt sổ để xử lý kịp thời, đồng thời tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp cố tình trây ỳ nợ thuế sau khi đã được cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo.
Ảnh minh họa. |
Ông Đặng Ngọc Minh lưu ý Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế các địa phương để đề xuất các nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế hiệu quả, trong đó phải đặc biệt chú ý đến áp dụng tự động hóa, số hóa và truy suất dữ liệu lớn (big data) của ngành thuế áp dụng vào công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Đồng thời, ngành thuế cũng tăng cường kiểm soát và phối hợp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng trên địa bàn để triển khai cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế theo đúng tinh thần Công văn số 5258/BTC-TCT ngày 22/5/2024 của Bộ Tài chính gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thu nợ thuế trong tháng 7/2024 ước đạt 5.059 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 7/2024, ước thu đạt 50.527 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này thu bằng biện pháp quản lý nợ là 47.547 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.980 tỷ đồng.
Trong 7 tháng năm 2024, ngành thuế thực hiện thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng.
Cụ thể, chỉ những cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức mà doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài còn nợ thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế mới bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo quy định của pháp luật, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nên nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao.
Đối với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... nếu còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường. Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế nợ, nhưng không nộp đúng thời hạn, thì bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thay. Hết thời hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách Nhà nước, thì bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị cưỡng chế đối với số tiền trong phạm vi bảo lãnh.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và không phải cứ nợ thuế là bị tạm hoãn xuất cảnh.