Ngành học “hot” hiện tại có thể thất nghiệp trong tương lai?
Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành khoa học cơ bản bị “ế” Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung thêm ngành học mới Điểm mặt những ngành học “sang, xịn, mịn” ở đầu vào nhưng gặp khó đầu ra |
Những ngành học "nóng bỏng tay"
Trong khoảng vài năm đổ lại đây, có một số ngành học cực kỳ nhận được nhiều sự quan tâm từ các bạn học sinh, sinh viên như truyền thông, marketing, công nghệ thông tin, bác sĩ, kinh doanh, kỹ sư phần mềm,kinh tế, tài chính ngân hàng, khoa học máy tính, ngoại ngữ, du lịch,…
Trước mong muốn của thí sinh vào được môi trường tốt để học tập và phát triển, dẫn tới các ngành học luôn nhận được lượng đơn đăng ký cực lớn từ phía học sinh THPT, điều này dẫn tới điểm chuẩn của các ngành này tăng dần đều theo từng năm.
Ví dụ, ngành Truyền thông đa phương tiện và Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm vừa rồi có điểm chuẩn là 27,25/30 và 26,55/30, điều này tương đương, mỗi môn thi phải được trên 9 điểm thì các em mới có thể đỗ ngành này.
Nhiều ngành học thu hút đông đảo thí sinh đăng ký dù điểm đầu vào rất cao |
Ngoài ra, với ngành Công nghệ thông tin (Việt- Nhật) tại trường Đại học Bách Khoa, thí sinh cũng phải đạt được 27,25/30 mới đỗ, hay ngành kỹ thuật ô tô với 26,41/30 điểm.
Cao hơn nữa, có thể kể tới sự cạch tranh khốc liệt với điểm chuẩn cao ngất tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao, với các số điểm dao động từ 27-29,30 điểm. Không chỉ cạnh tranh qua các kỳ thi đầu vào, kỳ thi THPT Quốc Gia, các trường đại học, học viện còn có những suất xét học bạ, bằng tiếng Anh, vì thế, các thi sinh cũng phải “trầy da tróc vảy” mới có thể đạt nguyệt vọng theo học ngành “hot”.
Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, Hàn, hay Nhật cũng là một trong những ngành nghề cực thu hút, thời buổi công nghệ phát triển, bởi cơ hội công việc mở rộng đa dạng như dạy học, phiên, biên dịch, du lịch,… Chính những điều này đã khiến những ngành học đã hot ngày càng khó, cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, các ngành khoa học như chính trị học, nông, lâm, ngư nghiệp, lịch sử, triết học,… mặc dù thiếu trầm trọng nguồn nhân lực nhưng vẫn không thu hút các thí sinh đăng ký. Điều này đã gây nên sự mất cân bằng tại chính các trường học cũng như như cầu nhân sự trong các doanh nghiệp.
Chỉ cần giỏi nghề, ngành nào cũng “hot”
Nhiều thí sinh băn khoăn không biết lựa chọn ngành học nào để đăng ký |
Nguyễn Bảo Linh ở huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ băn khoăn: “ Em rất muốn tham gia học ngành Y, với số điểm cao khủng khiếp qua các năm, em luôn tự nhủ mình phải phấn đấu, tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhiều câu chuyện xung quanh nghề y khiến em cũng lo lắng, khi có rất nhiều y bác sĩ thất nghiệp, lương thấp, rồi phải làm nghề tay trái,…
Nguyễn Quốc Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) lại đang được bố mẹ định hướng theo ngành Công nghệ thông tin, trong khi đó nguyện vọng cá nhân của nam sinh lại là các ngành thuộc nhóm kỹ thuật, cơ khí.
“Em được gia đình định hướng theo ngành Công nghệ thông tin vì đây là ngành khá "hot", có mức lương “khủng” và dễ tìm việc, thậm chí nếu thực sự giỏi có thể tự làm các phần mềm riêng để start up. Tuy nhiên em không thực sự hứng thú với công việc này, em thích những công việc liên quan đến cơ khí nhiều hơn. Bên cạnh đó, em cũng lo ngại rằng, nếu không thực sự giỏi, thì ngành Công nghệ thông tin sẽ rất khó khăn vì tính cạnh tranh cao, hay nếu yếu quá, ra còn không có việc làm. Em đang rất băn khoăn không biết nên lựa chọn ngành nào”, Cường cho biết.
Giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, học sinh, ông Ngô Minh Tuấn - Người sáng lập Trường CEO Việt Nam Global cho rằng “Hiện nay đang thiếu những dự báo sâu, khiến thí sinh quen nhìn xung quanh thấy ai làm lĩnh vực nào kiếm được nhiều tiền là chọn ngành đó và những ngành học này được coi là ngành "hot". Ví dụ, như ngành sale bất động sản năm ngoái rất "hot" nhưng đến năm nay lại chững lại”.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, không có ngành nào được coi là ngành "hot", chỉ cần giỏi nghề và mang lại giá trị tốt cho khách hàng, cho xã hội, khi đó mỗi cá nhân sẽ trở thành “người hot".
Thí sinh cần nghe tư vấn của các trường về ngành học và cơ hội làm việc sau khi ra trường (ảnh minh hoạ) |
Chuyên gia cũng lưu ý rằng, thí sinh khi chọn ngành, chọn nghề cần tập trung vào năng lực sở trường của bản thân, từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề, lĩnh vực mà mình có thể đáp ứng tốt nhất.
Trước lo ngại một số ngành "hot" có thể giảm nhiệt, thậm chí là biến mất trong tương lai khi công nghệ ngày càng phát triển, ông Ngô Minh Tuấn cho rằng, tư duy con người vốn có các nấc thang. Trong đó, nấc số 1 là kiến tạo, nấc thứ 2 là vận hành, ở bước thứ 2 này, công việc hoàn toàn có thể được thực hiện bởi robot. Với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay, chỉ khoảng 30 năm nữa, những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những công việc yêu cầu sự tư duy, kiến tạo của con người.
Khi chọn ngành nghề, thí sinh có thể tham khảo các bài trắc nghiệm tâm lý để biết rõ hơn về sở trường, sở đoản của bản thân, lắng nghe ý kiến của những sinh viên đã và đang theo học tại trường, nghe tư vấn trực tiếp từ các trường về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm. Ngoài ra, mỗi ngành đào tạo của các trường đại học đều công bố các môn học rất chi tiết với nội dung học cụ thể, dựa theo những nội dung này, thí sinh có thể tự tìm hiểu bản thân mình có phù hợp với ngành đó hay không.