Ngân sách nhà nước thu thấp nhất 7 năm, Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm chi tiêu
Tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020 của ngành Tài chính” diễn ra ngày 7/7, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với một số bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế hội nhập sâu, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, nên mặc dù đã sớm kiểm soát được dịch ở trong nước với quy mô nhỏ, nhưng tác động của đại dịch đến nền kinh tế nước ta cũng rất nặng nề.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Bộ Tài chính. |
Theo đó, sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá nhằm phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước và việc triển khai các nhiệm vụ tài chính 6 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
Theo đánh giá của vị tư lệnh ngành Tài chính thì đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013. Trong đó, thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách nhà nước tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.
Cũng theo ông Dũng, đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương cũng đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...). Ngoài ra cũng đã xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Ông Dũng cũng cho biết, để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.