Ngăn ngừa việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản liên quan đến tội phạm

Hiện nay còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa...
Bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát

Sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Các đại biểu cho rằng, quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, bên cạnh việc làm rõ vụ án, người phạm tội, hành vi phạm tội, hậu quả tác hại, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, nhất là các tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt và áp dụng các biện pháp để thu giữ, tạm giữ, kê biên. Việc làm này nhằm thu hồi tối đa tài sản, khắc phục hậu quả, thiệt hại do tội phạm, vi phạm pháp luật gây ra, đồng thời phân loại để kịp thời bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều vật chứng, tài sản trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thời gian dài không xử lý được, gây thất thoát, hư hỏng, tốn kém trong bảo quản.

Ngăn ngừa việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản liên quan đến tội phạm
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum).

Bên cạnh đó, Luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá… chưa có quy định trực tiếp về việc áp dụng biện pháp “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” để bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý nên dẫn đến việc xử lý vật chứng, tài sản trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, theo các đại biểu, việc ban hành dự thảo “Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự” là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan; tránh làm mất mát, hư hỏng tài sản, gây ra những ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, sản xuất, kinh doanh; gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Ngăn ngừa việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản liên quan đến tội phạm
Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ.

Cho ý kiến cụ thể về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) cho rằng, trong thực tiễn, quá trình điều tra vụ án, truy tố, xét xử, có những vật chứng, tài sản cần thiết phải tịch thu (như thuốc lá lậu, cây thuốc phiện; động vật nguy cấp, quý, hiếm nếu không trả về tự nhiên sẽ chết ngay…) hoặc vật chứng phải tiêu huỷ ngay (vi khuẩn gây bệnh, hoá chất gây ô nhiễm môi trường). Do đó, đại biểu đề xuất đưa thêm vào dự thảo Nghị quyết biện pháp xử lý vật chứng bằng “tịch thu, tiêu hủy”.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) phân tích, vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự thường có nguồn gốc và tính chất phức tạp, do đó, để giảm rủi ro đối với 2 biện pháp quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết là: Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng.

Đại biểu kiến nghị cần quy định bổ sung điều kiện thực hiện 2 biện pháp này là có cơ sở khẳng định cơ quan chức năng có khả năng “theo dấu” vật chứng, tài sản sau khi áp dụng biện pháp xử lý để đảm bảo giải quyết được trong trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Đồng thời, thời gian qua, có một số vụ án mà vật chứng đã hoàn thành sứ mệnh “chứng minh tội phạm” và không còn giá trị trên thực tế nhưng không thể thực hiện “tiêu hủy” vì phải đợi hoàn thành tất cả các giai đoạn của vụ án gây lãng phí ngân sách và nguồn lực rất lớn.

Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung cơ chế “tịch thu, tiêu hủy” trong dự thảo Nghị quyết. Đây cũng là một trong 6 cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã được Bộ Chính trị cho phép thí điểm trong Đề án về xử lý vật chứng. Việc xử lý vật chứng, tài sản một cách kịp thời sẽ giúp tránh tình trạng lưu giữ quá lâu, gây lãng phí ngân sách và nguồn lực quản lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động