Ngăn âu lo, giải tỏa áp lực cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Áp lực đến từ nhiều phía
Còn đúng 1 tháng nữa, học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023 - 2024. Hà Nội có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS, trong đó, khoảng 102.000 em sẽ vào lớp 10 (72.000 chỉ tiêu trúng vào các trường THPT công lập, chiếm 70,6%). So với năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập tăng 1.000 học sinh.
Học sinh lớp 9A4, trường THCS Nguyễn Du trong giờ luyện đề môn Toán |
Chỉ 72.000 thí sinh dự thi có “suất” vào lớp 10 công lập, còn lại 30.000 học sinh sẽ chọn học các trường THPT công lập tự chủ và tư thục. Chính vì vậy, với nhiều học sinh và phụ huynh có nguyện vọng học công lập, kỳ thi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Em Văn Khánh Linh - lớp 9A4 trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Năm nay, em có nguyện vọng được học ở ngôi trường THPT Trần Hưng Đạo Thanh Xuân. Chỉ còn 1 tháng nữa, kỳ thi sẽ bắt đầu. Ở giai đoạn ôn thi nước rút này, em cảm thấy khá căng thẳng và áp lực. Em sẽ nỗ lực và cố gắng hết sức mình để đạt được kết quả tốt nhất”.
Là phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10, anh Ngô Quang Anh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) chia sẻ: “Là cha, là mẹ, ai cũng muốn con cái có môi trường học tập tốt nhất. Chính vì vậy, bản thân tôi cũng dành những kỳ vọng nhất định cho con.
Suốt nhiều tháng trước kỳ thi và cả trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, con gái tôi lo lắng đến không thiết tham gia vào cuộc đi chơi nào cùng gia đình để chú tâm hoàn toàn vào việc ôn luyện. Tôi cũng không đặt ra mục tiêu con nhất định phải đỗ vào trường công, chỉ mong con cố gắng hết sức mình. Dù kết quả có thế nào, tôi cũng cảm thấy vui vẻ và tin tưởng ở con”.
Minh Anh - học sinh lớp 9 ở Hà Nội cho biết: “Xung quanh các bạn đều miệt mài ôn tập, đều có nguyện vọng vào những trường điểm cao, do đó em cũng không thể để mình bị tụt lại phía sau. Bố mẹ không tạo áp lực nhưng đôi khi cách quan tâm của bố mẹ khiến em không thực sự thoải mái và căng thẳng, đôi lúc còn có những hiểu lầm giữa em và bố mẹ.
Bố mẹ cũng lo lắng ở tuổi này em có thể có những tình bạn khác giới, sợ sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi chuyển cấp quan trọng nên thường quan tâm thái quá bằng cách xem điện thoại hay đọc tin nhắn của em, điều đó khiến em cảm thấy bị kìm kẹp, không thoải mái”.
Trong giai đoạn nước rút, các em học sinh lớp 9 đang tập trung cho việc ôn thi, làm đề |
Giải tỏa áp lực cho học sinh từ nhà đến trường
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4 trường THCS Nguyễn Du, cô Trần Thị Thanh Xuân tâm sự: “Đây thực sự đang là thời điểm rất nhạy cảm và quan trọng với các em học sinh lớp 9. Áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vô cùng lớn và đến từ nhiều phía. Đó có thể là sự nỗ lực, kỳ vọng rất lớn của các em cho mục tiêu của mình, sự kỳ vọng của gia đình”.
Chính vì vậy, song song với việc tăng cường ôn luyện kiến thức, giúp học sinh bù đắp những lỗ hổng còn thiếu sót, giúp các em giảm lo âu, căng thẳng trước kỳ thi là việc được các thầy, cô giáo trường THCS Nguyễn Du đặc biệt lưu ý.
Cô Xuân chia sẻ: “Nắm bắt được tâm lý và những căng thẳng mà học sinh đang phải đối mặt, những giáo viên chủ nhiệm khối 9 như tôi phải tích cực bám lớp, bám trường, theo dõi sát sao từng em. Việc nắm bắt tâm lý học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như trò chuyện với các em, đến thăm gia đình, tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh của từng em. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng giữ mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời chia sẻ, đưa ra biện pháp can thiệp”.
Tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong từng giờ học là điều mà thầy Trần Quang Huy - giáo viên dạy Toán trường THCS Nguyễn Du thực hiện để giúp các em có những giờ ôn thi hiệu quả nhất trong giai đoạn nước rút.
Trường THCS Nguyễn Du tổ chức lễ hội bóng nước giúp các em được hòa mình vào tập thể, được vui chơi, thoải mái sau giờ học |
Thầy Huy cho biết: “Thời gian này, tôi chủ yếu hướng dẫn các em làm và giải các dạng đề để làm quen với kỳ thi. Hầu như tuần nào các em cũng có bài kiểm tra, đánh giá để từ đó kịp thời bổ sung kiến thức còn yếu. Với học sinh thi đại trà, việc nắm chắc kiến thức cơ bản là quan trọng nhất. Tôi cho rằng, chỉ cần ôn chắc, các em dễ dàng ghi điểm. Với học sinh tham gia kỳ thi chuyên cần tang cường làm quen với dạng bài khó, kiến thức nâng cao”.
Năm học này, trường THCS Nguyễn Du có 193 học sinh lớp 9. Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giảm căng thẳng, áp lực cho học sinh lớp 9 không phải việc chỉ “ngày một, ngày hai” mà là việc đã được nhà trường lên kế hoạch, thực hiện có lộ trình ngay từ đầu năm học. Điều đó được thể hiện ở việc học cuốn chiếu chương trình theo chủ trương được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Các em hoàn thành sớm chương trình nên ở giai đoạn cuối này, kiến thức cơ bản đã nắm vững, các em chỉ tập trung cho việc ôn thi, làm đề”.
Không chỉ nỗ lực bổ sung kiến thức cho học sinh ở giai đoạn nước rút, trường THCS Nguyễn Du còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp các em được hòa mình vào tập thể, được vui chơi, thoải mái sau giờ học. Ví dụ như lễ hội bóng nước, ngày hội thể thao. Cùng với đó, nhà trường cũng chú trọng đến bữa ăn bán trú cho học sinh lớp 9 để cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt nhất trước kỳ thi.
“Ở thời điểm hiện nay, học sinh không cần học quá nhiều vì những kiến thức cơ bản các em đã học tập trong suốt cả năm học. Các em cần tập trung xem lại kiến thức, những nội dung bị hổng, tích cực tham gia các hoạt động giảm lo âu, áp lực. Bố mẹ cần bổ sung cho các con những thức ăn dinh dưỡng, vitamin để tăng cường đề kháng, nhắc nhở các con đi ngủ trước 23h30 và dậy sớm để có năng lượng tích cực nhất, thoải mái nhất”, cô Lý nhấn mạnh.