8 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVI:

Nền tảng để Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng 8 chương trình công tác toàn khóa.
Công tác Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020: Khơi dậy sức mạnh mềm phát triển Thủ đô Những công trình làm thay đổi diện mạo Thủ đô Hà Nội Đoàn đại biểu TP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ các liệt tổ, liệt tông

Tạo chuyển biến trong hệ thống chính trị

Không khuôn mẫu, chung chung mà bắt nhịp vào những vấn đề thực tiễn đang cần, các chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI đã kế thừa và phát huy tốt kinh nghiệm triển khai các chương trình công tác của các khóa trước và đạt nhiều kết quả rõ nét, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống.

Trong đó, Chương trình số 01-CTr/TU là chương trình “xương sống”, với 8 đề tài, chuyên đề và 5 nhóm chỉ tiêu. Đến nay, về cơ bản các nhóm chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành. Qua việc triển khai thực hiện, Chương trình số 01-CTr/TU đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác của hệ thống chính trị thành phố; Nhất là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện, chất lượng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, đổi mới các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước.

Đáng lưu ý, nhiều vấn đề mới, khó đã được các cấp, ngành của TP chủ động thực hiện. Trong đó, trên cơ sở sâu sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc ngay từ cơ sở, Thành ủy ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16/12/2016. Qua đó, hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã có những giải pháp bài bản, tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, giúp xử lý thành công nhiều vụ việc nóng, phức tạp.

Thành ủy Hà Nội cũng đã mạnh dạn đổi mới công tác đánh giá cán bộ bằng Quyết định số 2898-QĐ/TU ngày 8/11/2017 về “Quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, khắc phục tình trạng cào bằng, góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc.

Lãnh đạo TP Hà Nội thăm nhà máy Hanwha Aero Engine thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm nhà máy Hanwha Aero Engine thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc

Trong khi đó, việc Thành ủy ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020” và thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện bài bản, được nhận định là cách làm mới, riêng có của Hà Nội. Điều này đã góp phần làm “trong sạch” hệ thống chính trị với những kết quả nhất định ở cả hai lĩnh vực phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình, các cấp ủy đã chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. TP cũng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; Quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4

Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; Quản lý đầu tư xây dựng; Quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; Quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.

Song song với Chương trình 07, Chương trình 08-Ctr/TU, từ năm 2016 đến nay đã đơn giản hóa đối với 183 thủ tục hành chính (TTHC), tiết kiệm cho người dân, tổ chức 201,5 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2020, thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 Sở và tương đương. Sau sắp xếp, thành phố giảm một cơ quan hành chính ngang Sở, giảm 65 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn thành phố đạt 8,7%.

Những kết quả trên đã góp phần đưa các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 (tăng 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ - năm 2015; Xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt trên 80% (80,09%), về đích sớm 2 năm so với mục tiêu giai đoạn

Thúc đẩy kinh tế phát triển

Các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội như Chương trình số 02-CTr/TU, Chương trình 03-Ctr/TU, Chương trình 06-Ctr/TU cũng đã được thực hiện hiệu quả, mang lại nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt cho Thủ đô. Trong đó kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,39%/năm, hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. GRDP năm 2019 đạt 971,67 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011 - 2015; Đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; Lũy kế số dự án FDI còn hiện lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nâng dần qua từng năm. Cơ cấu các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đã được thành phố chỉ đạo quyết liệt. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6/2019, có 112.165 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn điều lệ hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn đến hết năm 2020 ước đạt 306.240 doanh nghiệp…

Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu lượng khách du lịch hằng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch 2 năm. Hai chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. Bảy chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU, đã xây dựng danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị; Phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 12 dự án và 5 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2021 - 2022.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra Chương trình 02 tại huyện Phú Xuyên
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra Chương trình 02 tại huyện Phú Xuyên

Các dự án của Hà Nội đã và đang triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP hoặc xã hội hóa BT hiện dẫn đầu cả nước cả về số lượng, tổng giá trị đầu tư. Cụ thể, về vận tải hành khách công cộng, đến nay Hà Nội sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, 90/125 hồ nội thành và hàng chục hồ ngoại thành đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, chất lượng nước được cải thiện đáng kể. Thành phố cũng đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo vào có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng.

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, 355 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm 92,9% số xã), 13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2019 trên địa bàn thành phố đạt 88,3%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm, còn 0,69%; Sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội dần khẳng định thương hiệu để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Bên cạnh đó, Chương trình số 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” đã được chỉ đạo thực hiện một cách tập trung, đồng bộ. Những chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố về văn hóa và con người đã đi vào thực tiễn cuộc sống với những cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, tạo động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Các chỉ tiêu của chương trình đều đạt so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2011 - 2015). Các chỉ tiêu của Chương trình đã về đích gồm: Chỉ tiêu về tỷ lệ xã có điểm luyện tập thể dục thể thao theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ; Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 8,5%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới.

Công tác văn hóa - xã hội được chú trọng phát triển. Các thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở được quan tâm đầu tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa ở thôn, làng. Công tác quản lý Nhà nước về di sản ngày càng được tăng cường. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế…

Song song với đó, Chương trình số 05 về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới” được tăng cường. Thành phố bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khoảng 2.000 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn mỗi năm; Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường bình yên của Thủ đô.

Tình hình tội phạm tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm hằng năm, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt cao (trong đó điều tra khám phá trọng án đạt 95% trở lên); Không để tồn tại các tụ điểm phức tạp, kéo dài về hình sự và tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận; Không có tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” hoạt động công khai, lộng hành.

Có thể nói, các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 mà còn là vấn đề hết sức cơ bản, lâu dài của Đảng bộ thành phố trong những giai đoạn tiếp theo. Tại dự thảo Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy, trong đó kế thừa và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình của Thành ủy khóa XVI để ban hành các Chương trình công tác có liên quan trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, đây sẽ là bước kế thừa và phát triển thành công, đảm bảo Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn tới.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động