Nâng tầm chính quyền đô thị

Hà Nội không chỉ là Thủ đô văn hiến với bề dày truyền thống lịch sử mà còn là một thành phố năng động, sáng tạo, không ngại thay đổi để đi lên...    
Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 Tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn cho Thủ đô Hà Nội 65 năm giải phóng Thủ đô: Những dấu mốc quan trọng

Hơn 10 năm trước, sau mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt việc sắp xếp ổn định bộ máy. Đây là việc khó và chưa từng có tiền lệ. Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Hà Nội cũng đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ rất “êm” và bài bản. Đó là những cơ sở để thành phố tự tin xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” được Bộ Chính trị giao trong Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017.

nang tam chinh quyen do thi
Thành phố Hà Nội mong muốn xây dựng chính quyền hiện đại, hiệu quả, gần dân

Nhu cầu thực tiễn

Là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng mô hình quản lý hiện hành của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đô thị rất thấp. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và thành phố còn nhiều bất cập. Một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó, không tạo được sự chủ động cho thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu để phát triển, hội nhập của Thủ đô hiện đại, văn minh...

Những thách thức trên đòi hỏi cần sớm có một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô.

Từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đến tháng 10/2018, Bộ Chính trị đã có kết luận, đồng tình với chủ trương này của thành phố.

Tháng 4/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 46 về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, giao Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức mô hình HĐND cấp phường thuộc các quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Theo đề án, thành phố sẽ tổ chức bỏ HĐND ở tất cả 177 phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây. Khi đó, UBND phường chính là cánh tay nối dài của UBND quận để hoạt động, điều hành chính quyền tại địa phương. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường sẽ do chủ tịch UBND quận đề bạt và bổ nhiệm. Toàn bộ công chức của các phường được hưởng chính sách giống như công chức, viên chức quận chứ không phân thành hai chính sách như hiện nay.

Dự kiến, khi vận hành theo mô hình này, chính quyền sẽ góp phần đảm bảo tăng thu ngân sách địa phương khoảng 10%; tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô trung bình giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn khoảng 1,0 - 1,5%/...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đã quán triệt ngay từ đầu: Mục tiêu của thành phố là xây dựng đề án phải có tính khả thi và bảo đảm hiệu quả. Quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là mong muốn chính quyền đô thị Hà Nội hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân, đô thị đặt ra.

Người đứng đầu thành phố cũng nhiều lần nhấn mạnh, cái lõi của đề án này là làm thế nào để tăng cường phân cấp; không chỉ phân cấp từ Trung ương xuống địa phương mà phân cấp ngay từ thành phố xuống quận, huyện; từ quận, huyện xuống xã, phường. Từ mô hình đó, các thủ tục hành chính cũng sẽ được phân cấp xuống cấp dưới, giúp người dân được tiếp cận qua hệ thống chính quyền điện tử, tăng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.

Công phu, bài bản, trách nhiệm cao

Xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” với chất lượng và tính khả thi cao không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là khát khao, nhiệt huyết đổi mới nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tinh thần khẩn trương, quyết tâm để được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội đã được thể hiện rõ ngay từ những bước đi đầu tiên. Sau khi Kết luận số 22-KL/TƯ của Bộ Chính trị được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, một số đồng chí là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương.

Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát trực tiếp tại các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong thành phố; phối hợp với các cơ quan tư vấn, nhà khoa học, chuyên gia, các Sở, ban, ngành của thành phố triển khai xây dựng 8 chuyên đề.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức 8 hội thảo, trong đó có 4 hội thảo tham gia ý kiến vào các nội dung của chuyên đề; 4 hội thảo xin ý kiến 30 quận, huyện, thị xã và cán bộ chủ chốt của 584 xã, phường, thị trấn về các nội dung của đề án.

Thành phố cũng đã lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; lấy ý kiến của các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các Bộ, ban, ngành Trung ương; ý kiến đóng góp của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Đặc biệt, đề án còn được kế thừa và tiếp thu có chọn lọc kết quả thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kinh nghiệm thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; kinh nghiệm quốc tế về quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Đề án được hoàn chỉnh nhiều lần nhờ sự góp ý của hàng nghìn ý kiến từ Trung ương tới cơ sở.

Theo dõi quá trình triển khai và là người sớm đóng góp ý kiến cho đề án, GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cho thấy quá trình nghiên cứu, xây dựng nghiêm túc, công phu. Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận các phương án, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra”.

Việc xây dựng đề án đã diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Một khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành, bảo đảm đề án được xây dựng đúng tinh thần khoa học, đổi mới, vừa giàu tính thực tiễn vừa bảo đảm cơ sở lý luận, đúng Hiến pháp, pháp luật.

Giai đoạn mới, quyết tâm mới

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội thứ XIV, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã chính thức được Quốc hội thông qua.

nang tam chinh quyen do thi
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết thí điểm Chính quyền đô thị tại Hà Nội

Nghị quyết sau khi được tiếp thu chỉnh lý gồm 9 điều, quyết nghị tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các phường thuộc khu vực đô thị (quận, thị xã) của Hà Nội sẽ chỉ còn UBND. Các cấp chính quyền khác vẫn gồm HĐND và UBND. Mô hình này được thực hiện từ ngày 1/7/2021 đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thí điểm.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, nội dung tiếp theo của Nghị quyết là việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền để các cấp phát huy năng lực của hệ thống, giải quyết được các vấn đề của địa phương.

Thành phố đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Nghị quyết, trong đó sẽ định nghĩa rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp quận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, hạn chế tối đa chi phí, thời gian của người dân.

Hoạt động ổn định, hiệu quả của những đơn vị tổ chức thí điểm đã được chứng minh qua thực tiễn của các địa phương. Chính phủ cũng đã có tổng kết và khẳng định các địa phương đã làm thành công. Do đó, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội thời gian tới cũng dễ dàng và có nhiều thuận lợi hơn. Thực tiễn sẽ chỉ ra cái gì còn khiếm khuyết thì bổ sung, cái gì tốt thì tiếp tục hoàn thiện.

Dù vậy, việc thực hiện thí điểm mô hình này tại một siêu đô thị như Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng tầm chính quyền Thủ đô. Nếu việc thí điểm ở thành phố Hà Nội diễn ra thành công, đây sẽ là tiền đề để nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Đến lúc đó, sẽ có nhiều hiệu quả nhất định như tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ, tiết kiệm ngân sách đáng kể cho nhà nước…

Nguồn: TTTĐ
Phiên bản di động