Năng lực hạn chế, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung bị cắt khối lượng tại dự án cao tốc Mai Sơn-QL45

Năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung (nhà thầu phụ thi công phần nền đường đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập kết vật liệu, thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.
Chậm tiến độ, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung bị xem xét cắt khối lượng cao tốc Mai Sơn-QL45

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.

Theo đó, về tiến độ triển khai của gói thầu 14-XL, Bộ Giao thông vận tải cho biết, mặc dù bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, tuy nhiên tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung (nhà thầu phụ thi công phần nền đường đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập kết vật liệu.

Để bảo đảm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung cho Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trực tiếp thi công.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Vinaconex tập trung nguồn lực tài chính triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng đường, thảm bê tông nhựa ngay khi có công địa, thi công cuốn chiếu các hạng mục an toàn giao thông, lắp dựng biển báo trên đoạn từ đầu gói thầu đến nút giao Đông Xuân; hoàn thành toàn bộ nút giao Đông Xuân trước ngày 31/3/2023 và hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày 30/4/2023.

Năng lực hạn chế, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung bị cắt khối lượng tại dự án cao tốc Mai Sơn-QL45
Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung có trụ sở tại Thanh Hóa

Đối với đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu, khối lượng thi công đắp nền đường khoảng 29.000 m3), khối lượng thi công móng, mặt đường còn rất lớn, nhà thầu phải khẩn trương thi công hoàn thành khối lượng đắp nền đường còn lại trước ngày 20/2/2023, đẩy nhanh thi công nền móng, mặt đường các đoạn tuyến đắp nền thông thường và các đoạn xử lý nền đất yếu đã dỡ tải.

Với các đoạn tuyến đang gia tải, nhà thầu phối hợp với tư vấn thường xuyên tiến hành quan trắc, cập nhật đánh giá số liệu lún cố kết, tính toán quyết định thời điểm dỡ tải để kịp thời triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng, mặt đường đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Tại văn bản gửi đi, Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý tình trạng hiện nay, một số đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cùng lúc triển khai đồng loạt nhiều hợp đồng tại các công trình trọng điểm.

Do đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long cần giám sát chặt chẽ nhân sự, máy móc thiết bị và nguồn tài chính của các nhà thầu đang thực hiện tại dự án, không để tư vấn giám sát, nhà thầu điều chuyển nhân sự, máy móc thiết bị đã được yêu cầu huy động cho gói thầu, dự án ra khỏi công trường khi không có chấp thuận của chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung tiền thân là Công ty Xây dựng Giao thông thủy lợi Thanh Hóa (Công ty TNHH), được thành lập năm 1994 với chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ, hiện đăng ký trụ sở chính tại tại 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

Năng lực hạn chế, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung bị cắt khối lượng tại dự án cao tốc Mai Sơn-QL45
Ông Mai Xuân Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Ảnh: mientrunggroup.com).

Đây là một tập đoàn kinh tế địa phương và mang mô hình của một doanh nghiệp gia đình, do doanh nhân Mai Xuân Thực (SN 1954) sáng lập và cùng người thân sở hữu, điều hành. Hiện tại, ông Thực đã nhường vị trí cao nhất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cho con trai mình là ông Mai Xuân Thống (SN 1979) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung được biết đến là một trong những doanh nghiệp có tiếng tại Thanh Hóa khi “ôm” hàng loạt dự án quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó có thể kể đến như: Dự án Khu dân cư phía Tây đường CSEDP thuộc khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (diện tích khoảng 18,8ha); Dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã, tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa (quy mô 48ha), Dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30ha)...

Về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đường bộ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cũng là doanh nghiệp được lựa chọn thi công loạt dự án “khủng” ở Thanh Hoá như: Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu 4.111 tỷ đồng; Dự án đầu tư mở rộng QL 4D nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sapa theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 2.518 tỷ đồng; Dự án đường Hồi Xuân - Tén Tằn; đường trong Khu công nghiệp số 3 Khu kinh tế Nghi Sơn; đường Vành đai phía Tây TP.Thanh Hóa, đường 433 Hòa Bình…

Về tình hình tài chính, trong những năm gần đây, quy mô tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung giảm dần đều. Cụ thể, năm 2018, tổng tài sản đạt 5.314 tỷ đồng, năm 2019 chỉ còn 5.038 tỷ đồng, đến năm 2020 giảm tiếp còn 4.727 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm chủ yếu với tỷ trọng hơn 70% (lần lượt là 73%, 73% và 71%).

Về nguồn vốn, nợ phải trả trong cùng giai đoạn giảm từ 2.640 tỷ đồng xuống 2.037 tỷ đồng; hầu như số nợ phải trả là nợ ngắn hạn (chiếm trung bình 97%). Vốn chủ sở hữu của công ty lại tăng nhẹ qua các năm, lần lượt là 2.674 tỷ đồng (2018), 2.689 tỷ đồng (2019), 2.690 tỷ đồng (2020).

Trong khi bức tranh tài sản khá tốt thì tình hình kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung lại không mấy sáng sủa.

Cụ thể, về doanh thu, giai đoạn 2016 – 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung duy trì được tốc độ tăng trưởng khá đều đặn, lần lượt đạt 1.137 tỷ đồng, 1.236 tỷ đồng, 1.372 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, đà tăng này bất ngờ bị đứt đoạn, khi chỉ đạt 1.025 tỷ đồng, giảm tới 25% so với năm trước đó.

Doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận gộp năm 2019 của công ty rất thấp đạt 67 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một nửa của năm trước đó (127 tỷ đồng) và kém xa các năm 2016 – 2017 (lần lượt là 102 tỷ đồng và 108 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp cũng vì thế mà suy giảm từ vùng 8,7% - 9,2% (giai đoạn 2016 – 2018) xuống chỉ còn 6,5% vào năm 2019.

Mặt khác, do các khoản chi phí neo cao nên lợi nhuận của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã bị ăn mòn gần hết. Trong diai đoạn 2016 – 2019, chưa năm nào công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt đến 1 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2016 lãi 260 triệu đồng, năm 2017 lãi 855 triệu đồng, năm 2018 lãi 868 triệu đồng, năm 2019 lãi 692 triệu đồng, năm 2020 đạt khoảng 1 tỷ đồng. Với mức lãi mỏng này, các chỉ số ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) của công ty đều ở mức cực thấp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động