Kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo, thao túng và chi phối ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung các quy định đảm bảo kiểm soát và hạn chế tình trạng sở hữu chéo, việc thao túng và chi phối ngân hàng...
Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Ngành Ngân hàng với 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung các giải pháp, “van khóa” để đảm bảo khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống tín dụng trong thời gian qua.

Cụ thể như các quy định cụ thể liên quan đến tổ chức, điều hành và quản lý rủi ro trong ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tiệm cận tốt với thông lệ về quản trị công ty. Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng có các quy định cụ thể hơn về tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng, trong đó trong tâm là các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý, người điều hành của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc.

Kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo, thao túng và chi phối ngân hàng
Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu tăng số lượng thành viên của Ban kiểm soát ngân hàng thương mại, đã hoàn thiện các quy định về việc không cùng đảm nhiệm chức vụ, cũng như xây dựng quy định nội bộ các ngân hàng đặc biệt là các hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Đây chính là các giải pháp, quy định để tăng cường khả năng cạnh tranh, năng lực chống chịu của mỗi ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nền kinh tế.

Ngoài ra, để đảm bảo kiểm soát và hạn chế tình trạng sở hữu chéo, việc thao túng và chi phối tổ chức tín dụng, các quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được chỉnh lý phù hợp, đảm bảo mở rộng quy định người có liên quan của tổ chức tín dụng (áp dụng cho các tổ chức tín dụng, trừ Quỹ tín dụng Nhân dân), giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức của tổ chức tín dụng, giảm giới hạn tiếp cận tín dụng và có lộ trình cụ thể để cho phép các tổ chức tín dụng có thể nâng cao năng lực.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định về việc phải công bố công khai thông tin của các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng, qua đó giúp tăng cường tối đa tính minh bạch của thông tin liên quan đến sở hữu của các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng có một số quy định khác liên quan tới nội dung về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành; cũng như bổ sung vào luật những nội dung rất chi tiết có tính chuyên môn, chuyên ngành và kỹ thuật về vốn, về doanh thu, chi phí, lãi phải thu, dự phòng rủi ro, về phân phối lợi nhuận… để đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng, đảm bảo các hoạt động về tài chính, hạch toán, kế toán theo đúng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

Đối với những nội dung cụ thể về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng cũng được xây dựng dựa trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức này, đảm bảo rủi ro của mỗi tổ chức tín dụng không có cơ hội và ảnh hưởng đối với sự an toàn và lành mạnh của cả hệ thống; bổ sung quy định liên quan đến tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp nếu can thiệp sớm để đảm bảo cho tổ chức tín dụng được quyền chủ động xử lý kịp thời nếu xảy ra vấn đề hoặc dấu hiệu cần phải can thiệp sớm.

"Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp việc tiếp cận tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn; đảm bảo an toàn hệ thống trong quá trình nền kinh tế chuyển sang giai đọan phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với yêu cầu chất lượng cao hơn, mức độ phức tạp hơn", bà Phạm Thị Hồng Yến chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động