Mỹ muốn sớm công bố kết quả điều tra Trump – Nga
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Getty Image
Hôm 22/3, cựu giám đốc FBI đã trình Báo cáo bí mật của Robert Mueller lên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr. Bộ trưởng cho biết, có thể sẽ thông báo cho các nhà lập pháp về các kết luận cuối cùng có trong báo cáo vào cuối tuần này. Ông Barr được Bộ Tư pháp trao quyền quyết định mức độ công khai các thông tin mật mang tầm quốc gia này.
Để hoàn thành bản báo cáo, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã mất tới 22 tháng để điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và những hành vi sai trái mà ekip của ông Trump có thể đã mắc phải để tác động lên kết quả bỏ phiếu . Ông Mueller cũng xem xét về khả năng lãnh đạo Đảng Cộng hoà đã cố gắng cản trở quá trình điều tra của ông một cách bất hợp pháp.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, bên cạnh bản báo cáo, ông Mueller đã không đề xuất thêm bất kỳ cáo trạng nào. Do vậy, có thể không còn cáo buộc hình sự nào đối với Trump và các cộng sự phát sinh từ cuộc điều tra. Trong suốt thời gian 22 tháng, công tố viên Mueller đã đưa ra cáo buộc chống lại 34 người và 3 công ty, và kết án một số trợ lý cũ của Trump, cụ thể gồm cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và luật sư cá nhân Michael Cohen,…
Các nhà lập pháp của cả hai Đảng đang kêu gọi Bộ Tư pháp nhanh chóng công bố các kết quả của bản báo cáo. Phía Đảng Dân chủ thậm chí yêu cầu công bố toàn bộ nội dung bản báo cáo do lo ngại những thông tin gây bất lợi cho ông Trump có thể sẽ bị che giấu, cho biết sẵn sàng ra toà nếu cần thiết.
Ông William Barr, người được chính Tổng thống Trump bổ nhiệm vào tháng 2, gửi đến các nhà lập pháp qua một lá thư: “Tôi luôn cam kết minh bạch nhất có thể, và sẽ thông báo cho các vị về các đánh giá của tôi.”
Phát ngôn viên của ông Mueller cho biết, sau khi nộp bản báo cáo đặc biệt, công tố viên 74 tuổi Mueller sẽ nghỉ hưu trong những ngày tới.
Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận các cáo buộc, thậm chí đã gọi cuộc điều tra là “cuộc săn lùng phù thuỷ” và cáo buộc ông Mueller “xung đột lợi ích”. Hôm 20/3, Tổng thống Mỹ cho biết việc bản báo cáo được công khai với công chúng sẽ không ảnh hưởng đến ông.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Mỹ cũng kêu gọi công bố báo cáo để chấm dứt những đồn đoán về chính quyền Trump, tin tưởng rằng công tố viên sẽ không tìm ra bất cứ sự thông đồng hay sai phạm nào của Tổng thống và đồng sự. Phía Đảng Cộng hoà thậm chí còn đưa ra cáo buộc Đảng Dân chủ và giới truyền thông đã cùng nhau “thêu dệt” do không muốn chấp nhận ghế Tổng thống của ông Trump.
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cáo buộc chính thức nào liên quan trực tiếp đến việc thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Moscow. Bộ Tư pháp Mỹ có một chính sách rằng các Tổng thống đương nhiệm sẽ không phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi và nhà lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer - hai người đứng đầu Đảng Dân chủ trong Quốc hội khẳng định việc công khai toàn văn bản báo cáo là bắt buộc; Nhà Trắng cũng không được phép can thiệp vào việc này.
Bà Sarah Sanders, người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo tóm tắt nào về kết quả điều tra của Mueller.
Dù không bị “chỉ điểm” trong báo cáo của Mueller nhưng ông Trump có thể vẫn liên quan đến nhiều rắc rối pháp lý xung quanh các vi phạm tài chính mà luật sư Cohen đã khai nhận và hoạt động kinh doanh của công ty gia đình Trump Organisation.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ từng đưa ra thông tin Moscow đã tác động lên kết quả cuộc bầu cử với một chiến dịch “hack” email và tuyên truyền trực tuyến nhằm gieo rắc bất hòa ở Hoa Kỳ và giúp ông Trump thắng cử.
Hiện nay, một số uỷ ban của Hạ viện Mỹ đang tiến hành các cuộc điều tra tích cực về ông Trump và các đồng sự.