Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 là một phép thử quan trọng
Muốn tăng trưởng 8% thì phải dựa vào khoa học, công nghệ Chất lượng tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa vững |
Tại ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
![]() |
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). |
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay là một phép thử quan trọng, giúp chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số. Nếu triển khai tốt năm nay, giai đoạn sau sẽ có cơ hội đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Nêu giải pháp, ông Trịnh Xuân An cho rằng, có nhiều nhiệm vụ mang tính tổng thể, nhưng cũng có giải pháp tức thì. Đối với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng ở mức cao năm nay thì cần quan tâm tới các giải pháp tức thì, tức là những giải pháp có tác động ngay.
“Cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần được ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường”, ông An nói.
Đại biểu An cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì cần tăng cường đầu tư và nguồn vốn. Mặc dù đồng tình với việc tăng đầu tư công, ông An cho rằng cần có chỉ tiêu về đầu tư tư.
![]() |
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). |
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, đầu tư tư nhân đang tăng trưởng 7-9% và có xu hướng giảm thời gian qua, do đó, đầu tư tư cần tăng trưởng 2 con số và để làm điều đó thì nguồn lực tín dụng cũng phải được đẩy mạnh.
“Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình chỉ khoảng 15-16% thì khó đạt mục tiêu, cần tăng lên khoảng 18-19%, mặc dù điều này có thể liên quan đến chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển”, ông An nêu quan điểm.
Cùng với đó, đại biểu An cũng hoan nghênh việc Chính phủ thay đổi phương thức quản trị khi giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương.
"Như Hà Nội, TP HCM được giao tăng trưởng 8-8,5%. Đây là 2 đầu tàu tăng trưởng thì 2 thành phố tăng trưởng 2 con số được không. Nếu 2 thành phố tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được mục tiêu chung cả nước”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị cần tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, các định hướng cho công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ những điểm nghẽn, để thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà trở thành “đột phá của đột phá”, tạo không gian phát triển mới.
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội sẽ áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật, hoặc một luật được sửa đổi, bổ sung ở nhiều luật có liên quan, kéo theo đó, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, tình trạng nợ các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần khắc phục triệt để tình trạng này, đồng thời cần quan tâm thực hiện việc ban hành các văn bản hợp nhất để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý, đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công.