Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần nêu cao tính gương mẫu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống

Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, về trí tuệ, đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân, của tổ chức, tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân.
Đảng viên trẻ trường Báo: Nhiệm vụ chính trị cao nhất của sinh viên là học tập Đảng viên tuổi 20 làm giàu trên quê hương Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho bà Hoàng Thị Lam

Trình bày tham luận với nội dung: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức ở Đảng bộ thành phố Hà Nội” tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII sáng 12/10, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, sau 35 năm đổi mới, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần bảo đảm cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng nói chung, Đảng bộ Thủ đô nói riêng về chính trị, tư tưởng, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; Xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Tạo cơ sở tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Thủ đô.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong tham luận tại Đại hội
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong tham luận tại Đại hội

Sau hơn 4 năm nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 18-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Đảng bộ Hà Nội đã triển khai và cụ thể bằng chủ đề công tác hằng năm theo hướng: Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cán bộ đảng viên như thực hiện chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp”.

Việc triển khai thực hiện các nội dung này của Thành ủy đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; Đã phát huy được vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí; Trên cơ sở đó từng bước giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, tồn đọng của thành phố...

Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Hà Nội không dừng ở thức tỉnh, nhắc nhở từng người, từng tổ chức mà quan tâm nhiều hơn đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống thành hành động cụ thể của mỗi người, mỗi đơn vị; Đã xuất hiện hàng nghìn gương tiêu biểu người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước tại tất cả các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thủ đô.

Chương trình cải cách hành chính, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường ngày càng chuyển biến tốt hơn; Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng chuyển biến tích cực; Việc thực hiện Nghị quyết 15 của Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố” được đánh giá cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ cơ sở; Xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả toàn diện nổi bật, đã có hàng ngàn hộ dân tự nguyện hiến đất, hiến của, ngày công để phục vụ lợi ích cộng đồng.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chung sức đồng lòng phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và sự chỉ đạo của Thành ủy, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức Thủ đô hướng tới xây dựng Đảng bộ Hà Nội thực sự là đảng bộ gương mẫu, tiêu biểu của cả nước, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân, của tổ chức, tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân.

Sự tiên phong, gương mẫu phải bắt đầu từ trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên của mỗi đảng viên; Từ sự nêu gương giữa đời thường; Từ ý thức tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Từ thái độ kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), nâng cao ý thức, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp...

"Trong những ngày qua, chúng ta vừa chứng kiến các hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây thực sự vừa là niềm tự hào, vừa là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại truyền thống quý báu được ông cha ta hun đúc từ ngàn đời. Tự hào với truyền thống lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô hơn lúc nào hết cần phát huy ý thức và tinh thần trách nhiệm của mình, tự giác, cổ vũ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, những tấm gương, hành vi đẹp trong cuộc sống bình dị hàng ngày; Đồng thời kiên quyết đấu tranh phê phán những cái xấu, những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, chuẩn mực xã hội để Hà Nội trong mắt người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế mỗi ngày một đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị khẳng định: Văn hóa và con người phải thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Để quan điểm này thực sự đi vào thực tiễn hiệu quả, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần nhận thức sâu sắc rằng, trong mọi công việc, yếu tố văn hóa cần được quan tâm trước hết, nhất là văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội; Để văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành một dòng chảy xuyên suốt trong mọi lĩnh vực đời sống: Chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển con người... khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; Xây dựng người Hà Nội có lối sống nhân ái, nghĩa tình, sống và làm việc theo pháp luật...

PV
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động