Máy thở Anh mua của Trung Quốc bị tố có thể gây nguy hiểm chết người
Việt Nam muốn hợp tác với Mỹ sản xuất máy thở 2 máy thở, triệu ly sữa và 5 tỷ đồng góp sức đẩy lùi Covid-19 |
Lô hàng 300 máy thở nhập khẩu từ Trung Quốc tại một sân bay quân sự ở Anh hôm 4/4. Ảnh: NBC |
Đây là nội dung chính trong bức thư của một bác sĩ chuyên ngành gây mê, chăm sóc tích cực đại diện cho nhóm các bác sĩ và quản lý cấp cao làm việc tại Birmingham (Anh) và vùng lân cận, được hãng tin NBC News đăng tải ngày 30/4.
Theo các bác sĩ nêu trên, nguồn cung cấp ô-xy của các máy thở Trung Quốc có vấn đề và không thể vệ sinh sạch sẽ bộ lọc. Máy thở có thiết kế khác biệt, hướng dẫn sử dụng khó hiểu và được chế tạo để dùng cho xe cấp cứu, không phù hợp với phòng điều trị tại các bệnh viện. Được biết, đây là loại máy thở giá rẻ, dao động trong khoảng từ 1.500-3.000 USD/chiếc.
Các bệnh viện phát hiện ra các máy thở nhập từ Trung Quốc hoạt động không tốt dù nhân viên kỹ thuật mất vài ngày để tìm hiểu. Một quan chức cấp cao tại một bệnh viện của Anh nói: "Toàn bộ số máy thở không thể dùng được. Các bệnh viện đã cố gắng nhưng chúng tôi không thể sử dụng các máy này”.
Kể từ tháng 3, Chính phủ Anh và nhiều quốc gia đã cuống cuồng mua sắm thêm thiết bị y tế, phần lớn là từ Trung Quốc, để bù đắp nguồn cung vật tư y tế thiếu hụt. Đây là những trang thiết bị thiết yếu trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng nhiều trong số hàng từ Trung Quốc gặp lỗi, hoặc không phù hợp.
Sau khi bị dư luận chỉ trích vì biện pháp đối phó đại dịch không hiệu quả, ngày 4/4, các bộ trưởng Anh vui mừng tuyên bố đã mua được 300 máy thở từ Trung Quốc. "Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Trung Quốc vì đã hỗ trợ chúng tôi mua được số máy thở này", Michael Gove, Chánh Văn phòng Nội các Anh tuyên bố trong cuộc họp báo cùng ngày.
Tuy nhiên, chỉ 9 ngày sau đó, một nhóm gồm các bác sĩ cấp cao và giới chức ngành y đã viết thư cảnh báo về 250 máy thở mẫu Shangrila 510 được sản xuất tại Công ty Bắc Kinh Aeonmed, một trong những nhà sản xuất máy thở lớn của Trung Quốc.
Những người đứng tên cho rằng nếu được sử dụng tại bệnh viện, số máy thở này sẽ gây nguy hại cho các bệnh nhân, thậm chí có cả nguy cơ tử vong. “Chúng tôi mong muốn số máy thở này bị thu hồi và được thay thế bằng các thiết bị tốt hơn có khả năng thông đường thở tốt hơn cho các bệnh nhân điều trị tích cực", người đại diện đứng đơn viết trong thư.
Bác sĩ viết thư chưa cho biết những biện pháp nào đã được thực hiện để giải quyết lo ngại về máy thở. Không rõ bộ, ngành trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh nhận được thư, nhưng Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội, Cơ quan giám sát Dịch vụ Y tế Quốc gia và việc mua máy thở từ nước ngoài, cho biết trong cho biết họ nắm được "mối lo ngại của các bác sĩ và đã đề cập vấn đề này với nhà sản xuất".
Bộ này từ chối trả lời một số câu hỏi chi tiết về bức thư, về nhiều nội dung như có bao nhiêu máy thở kiểu này đã được mua, tại sao mẫu đó được chọn và liệu các bác sĩ tuyến đầu có được tư vấn trước. Bộ cho biết chưa có máy thở nào trong số này đang được sử dụng tại bệnh viện.
Không phải là cá biệt và giải thích từ phía Trung Quốc
Anh không phải là nước duy nhất gặp phải vấn đề về sản phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 mua từ các công ty Trung Quốc. Hồi cuối tháng 3, Hà Lan buộc phải thu hồi 600.000 khẩu trang mua từ Trung Quốc và đã phân bổ cho các bác sĩ sau khi Bộ Y tế nước này phát hiện sản phẩm không đạt chuẩn. Đầu tháng này, người đứng đầu cơ quan cung cấp y tế khẩn cấp Phần Lan buộc phải từ chức sau khi lô khẩu trang trị giá hàng triệu euro từ Trung Quốc bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn.
Không chỉ có khẩu trang. Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đã phải thu hồi và trả lại 50.000 bộ xét nghiệm COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc, vì độ chính xác của chúng chỉ đạt khoảng 30%. Anh đã đặt hàng 3,5 triệu bộ xét nghiệm Trung Quốc nhưng không bộ nào đủ tốt để sử dụng đại trà. Chính phủ Anh cho biết đang yêu cầu nhà cung cấp trả lại tiền.
Một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Chessington, Anh, ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Là nhà chế tạo hàng đầu của thế giới, Trung Quốc sản xuất và cung ứng nhiều sản phẩm cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch. Trước khi khủng hoảng diễn ra, Trung Quốc làm ra khoảng 20 triệu khẩu trang/ngày, chiếm đến 50% sản lượng của thế giới. Nhưng đến cuối tháng 2, mức sản lượng này đã được nâng lên 116 triệu chiếc/ngày. Đến nay, đã có 74 quốc gia, 6 tổ chức quốc tế ký 192 hợp đồng với các nhà cung cấp y tế của Trung Quốc, với tổng giá trị vào khoảng 1,41 tỉ USD.
Trước những lo ngại của các nước về chất lượng thiết bị y tế xuất khẩu, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 15/4 rằng chính phủ nước này cam kết "truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng" và sẽ trừng phạt nghiêm khắc những công ty bị phát hiện xuất khẩu thiết bị không đạt chuẩn,
Bộ Thương mại Trung Quốc hồi đầu tháng 4 cũng rút giấy phép xuất khẩu của hai công ty, cảnh báo việc xuất khẩu thiết bị y tế kém chất lượng "làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh đất nước". Ông Gao Feng, phát ngôn viên Bộ này cũng cho rằng một số phàn nàn từ các nước có thể là do "khác biệt trong tiêu chuẩn sản xuất" hoặc các bác sĩ châu Âu "không quen với cách sử dụng sản phẩm, thậm chí mắc lỗi khi thao tác".
Khi được phóng viên hãng tin NBC News đặt câu hỏi liệu có nắm được thông tin về lo ngại của bác sĩ Anh hay không, Giám đốc bán hàng quốc tế của Bắc Kinh Aeonmed trả lời "không biết". Công ty cũng không trả lời các câu hỏi chi tiết về mẫu máy thở Shangrila 510 cũng như việc có bao nhiều nước đã nhập loại máy này.