Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản có thể có hiệu lực từ 1/8/2024
Chính phủ thông qua đề xuất sớm thi hành Luật Đất đai 2024 Luật Đất đai 2024 dưới góc nhìn chuyên gia |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 53/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng.
Công điện nêu rõ, để các chính sách mới của các luật trên sớm được triển khai trong thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tờ trình số 247/TTr-CP ngày 18/5/2024).
Ảnh minh họa. |
Nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời triển khai ngay sau khi các luật trên được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024) và thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 25/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các đồng chí Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật trên theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao, hoàn thành trong tháng 6/2024.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quá trình xây dựng, ban hành cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật.
Về Luật Đất đai năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá, luật này là thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18/2022 của Trung ương về các chính sách đất đai.
Ngoài các nội dung về chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, tài chính về đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, rồi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…, Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương.
Trên cơ sở đó, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn được chỉ ra trong việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.