Chính phủ thông qua đề xuất sớm thi hành Luật Đất đai 2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP thống nhất thông qua xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Luật Đất đai 2024 dưới góc nhìn chuyên gia

Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025 như trong Luật Đất đai đã quy định, mục đích nhằm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất.

Bên cạnh đó, việc thi hành sớm Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sẽ hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.

Qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho Nhân dân.

Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, để sớm phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đưa các chính sách đất đai sớm đi vào cuộc sống, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024.

Chính phủ thông qua đề xuất sớm thi hành Luật Đất đai 2024
Ảnh minh họa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương huy động các nguồn lực trong một thời gian ngắn, với tiến độ rất gấp và đòi hỏi chất lượng rất cao, khối lượng công việc nhiều để triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản này bao gồm nghị định, thông tư, quyết định và các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện nay được giao dự thảo 6 nghị định và 4 thông tư, cơ quan này cũng đã hoàn thành các dự thảo. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và dự kiến trước ngày 10/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình, để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đủ các điều kiện trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao tham mưu với Chính phủ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Hiện, cơ quan này đã hoàn thành các thủ tục, báo cáo Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

"Chúng tôi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để đảm bảo đồng bộ cả nghị quyết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo các điều kiện về việc xây dựng văn bản", ông Ngân nói.

Về kỳ vọng, theo ông Ngân, Luật Đất đai năm 2024 là thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18/2022 của Trung ương về các chính sách đất đai.

Ngoài các nội dung về chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, tài chính về đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, rồi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…, Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương.

Trên cơ sở đó, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn được chỉ ra trong việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động