Lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank có thể tăng trưởng âm
Vietcombank lo nợ xấu tăng mạnh Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ 10.000 tỷ cho Vietcombank và Vietinbank |
Công ty Cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) với chủ đề ''lợi thế cạnh tranh vững chắc trước các áp lực ngắn hạn''.
Theo VDSC, trong quý cuối năm 2020 có thể sẽ chứng kiến một kết quả tích cực đáng kể của Vietcombank nhờ ghi nhận phí trả trước. Nhóm phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng trưởng 23% trong quý cuối năm, trong đó thu nhập bất thường đóng góp 22%.
Tuy nhiên, nếu tính cả năm 2020, VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế của Vietcombank lại tăng trưởng âm 2%, đạt 22.754 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận giảm là do chi phí hoạt động tăng 6% và chi phí dự phòng tăng 24%.
Ảnh minh họa |
Theo nhóm phân tích của VDSC, trong quý 4/2020, nợ xấu mới hình thành của Vietcombank có thể tăng đáng kể, song chính sách xóa nợ và trích lập dự phòng được kỳ vọng ổn định tỷ lệ nợ xấu khoảng 1-1,2% và giữ tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu khoảng 200%.
Sang năm 2021, VDSC kỳ vọng việc kiểm soát được đại dịch sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và hoạt động cho vay của Vietcombank. Nhờ đó, nhóm phân tích kỳ vọng tín dụng của ngân hàng sẽ tăng trưởng 13-15% do nhu cầu vay trở lại và dự báo Vietcombank có thể hoàn thành 50% kế hoạch tăng vốn riêng lẻ, với mức giá 80.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Với các diễn biến khả quan, VDSC đưa ra dự báo lợi nhuận Vietcombank năm 2021 có thể tăng khoảng 16% lên 26.375 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của Vietcombank, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế giảm 9% so cùng kỳ, còn hơn 15.965 tỷ đồng và hơn 12.794 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ đạt hơn 12.779 tỷ đồng, giảm 9%.
Trong kỳ này, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Vietcombank âm tới 71.197 tỷ đồng do nhà băng tăng các khoản tiền, vàng gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, giảm các khoản về kinh doanh chứng khoán, giảm cho vay khách hàng, tăng các khoản nợ Chính phủ…
Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/9/2020, tổng nợ xấu của Vietcombank ở mức 7.885 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn ở mức 2.923 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần; nợ nghi ngờ 1.599 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần; trong khi đó nợ có khả năng mất vốn lại giảm 26% xuống còn 3.362 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% đầu năm lên 1,01%.