Lời khuyên "đắt giá" cho học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường
Gợi mở tương lai học sinh đam mê khối công nghệ Học sinh hào hứng với Ngày hội tư vấn hướng nghiệp ngành công nghệ |
Ngày 13/4, tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên), Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành Đô, Đại học Thủ đô Hà Nội và các đơn vị tổ chức chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành công nghệ”.
Trong khuôn khổ diễn ra chương trình, học sinh đã có dịp lắng nghe những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) về việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó, kịp thời cung cấp cho các em những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, về việc tư vấn chọn trường, chọn nghề, giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.
Thí sinh theo dõi các thông tin trong Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh |
PV: Thưa bà, điều gì tạo nên sức hút của Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh hằng năm đối với học sinh, phụ huynh?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh có sức hút rất lớn với nhiều bên liên quan, đặc biệt là các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như là bước vào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo tôi, sức hút này tạo ra là do nhu cầu về mặt thông tin, các em mong muốn có được những thông tin cập nhật mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng như kỳ tuyển sinh sắp tới.
Đồng thời, các phụ huynh cũng rất quan tâm để có thể định hướng, hướng dẫn cho con em của mình. Các thầy cô không chỉ ở các trường phổ thông mà các trường đại học cũng sẽ đến với những cái ngày hội như thế này để định hướng, hướng dẫn cho học sinh những thông tin quan trọng.
Với chúng tôi - những người làm chính sách, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh là một cơ hội rất tốt để được lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh, phía thí sinh cũng như các trường đại học, các trường phổ thông để chúng tôi có những điều chỉnh về mặt chính sách trong tương lai sao cho thuận lợi và tốt hơn với thí sinh.
Không chỉ vậy, đây cũng là dịp để chúng ta truyền thông về chính sách, đưa những thông tin cập nhật mới nhất, hướng dẫn sao cho để thí sinh tránh những cái sai sót đáng tiếc có thể xảy ra trong những kỳ thi hay kỳ tuyển sinh đặc biệt, quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học |
PV: Để học sinh được gia tăng cơ hội trúng tuyển, tránh những sai lầm đáng tiếc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà có những lời khuyên nào cho thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Đối với các thí sinh, để đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng có lợi và hiệu quả nhất, chúng tôi vẫn thường xuyên tư vấn, khuyên các em rằng, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy chế với những nguyên tắc về tuyển sinh, tạo điều kiện tốt nhất, đảm bảo sự công bằng cũng như quyền lợi xứng đáng nhất của thí sinh. Chính vì thế, các em được đăng ký số nguyện vọng xét tuyển không giới hạn, đồng thời, hoàn toàn có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trong cái thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, cơ hội để chúng ta đăng ký được vào ngôi trường hay ngành đào tạo mà các em mong muốn nhất là rất rộng mở.
Ngoài ra còn một nguyên tắc nữa, đó là việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Thí sinh nên ưu tiên đặt những nguyện vọng bản thân yêu thích và có năng lực nhất lên đầu tiên. Việc làm này thể hiện tính ưu việt của hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung. Tức là thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất mà các em ưu tiên nhất, theo đúng năng lực, sở trường của mình.
Vì vậy, các em hãy mạnh dạn đặt nguyện vọng vào ngôi trường mà mình yêu thích nhất lên trên đầu.
Học sinh chăm chú lắng nghe những chia sẻ tại chương trình |
PV: Bà có lời khuyên nào trong việc chọn ngành/chọn trường cho học sinh?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Chúng tôi có một lời khuyên cho thí sinh trong việc chọn ngành, chọn trường đó là các em nên xác định sở trường, năng lực, niềm đam mê của bản thân để chọn ngành trước, chọn trường sau. Bởi, ngành nghề sẽ theo các em suốt cả cuộc đời. Vì vậy, việc chọn đúng ngành từ ban đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập cũng như phát triển bản thân sau này.
Khi đã chọn được đúng ngành học mà mình mong muốn, thí sinh bắt đầu lựa chọn những ngôi trường đang cung cấp chương trình đào tạo như vậy. Lúc đó chúng ta sẽ so sánh đối chiếu từ chương trình đào tạo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện phụ trợ khác cho quá trình đào tạo... Từ đó, đưa ra sự cân nhắc về uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường trong lĩnh vực cụ thể đó, giúp các em đưa ra những quyết định chính xác, chuẩn xác hơn.
Thông thường, có rất nhiều người có thể can thiệp vào quyết định chọn ngành, chọn nghề, chọn trường của các em. Đó có thể là ý kiến của các thầy cô, các chuyên gia, của bố mẹ, của những người xung quanh... Nhưng theo tôi, chính các em nên là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, học sinh phải là người thu thập, xử lý thông tin, tham vấn thêm ý kiến của mọi người xung quanh. Sau đó nghiên cứu những thông tin về dự báo về phát triển kinh tế xã hội, những ngành nghề trong tương lai hay định hướng phát triển cá nhân của mình như thế nào...
Với tổng hòa rất nhiều thông tin như vậy, các em cần cân nhắc, lựa chọn ngành, trường kỹ lưỡng. Sau đó, chính bản thân phải tự đưa ra quyết định cuối cùng chứ không phải là một người nào khác giúp chúng ta "chốt" quyết định đó.
Hơn 1.000 học sinh được trực tiếp lắng nghe tư vấn tại trường THPT Lý Thường Kiệt |
Trên hành trình tư vấn tuyển sinh, chúng tôi đã gặp những trường hợp thí sinh đã vào học một ngôi trường với điều kiện rất tốt, nhưng cuối cùng vẫn nhất định xin chuyển ngành, chuyển trường cho đúng sở trường và mong muốn cá nhân của mình. Theo tôi, việc làm này sẽ gây lãng phí và mất nhiều thời gian, cơ hội mà mình đã bỏ ra... Do vậy, học sinh nên có những quyết định xác đáng, thể hiện trách nhiệm cá nhân của mình ngay từ đầu trong việc chọn ngành, chọn trường.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!