Lợi bất cập hại từ sạc điện thoại rẻ tiền và cách phân biệt khi mua

Những chiếc sạc điện thoại giá rẻ từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc, được gia công sơ sài từ nguyên liệu trôi nổi tiềm ẩn nguy cơ phá hủy màn hình, pin, cảm ứng, gây cháy nổ.
Làm sao để lựa chọn sạc điện thoại an toàn, chất lượng? Từng châm biếm Apple, giờ đây Xiaomi cũng bán smartphone không kèm sạc Điện thoại đang sạc phát nổ, nam thanh niên tử vong

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Vừa qua, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 1 cơ sở kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại trên đại bàn và phát hiện địa điểm này đang thực hiện hoạt động phù phép các sản phẩm sạc Samsung, Anker rởm thành hàng chính hãng.

Điều đáng nói, nguyên liệu sản xuất những chiếc sạc điện thoại này chủ yếu thu mua từ đồ điện tử cũ, hỏng. Sản phẩm chủ yếu được bán trên các sàn thương mại điện tử, hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội hay những điểm kinh doanh trực tiếp với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc.

TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sạc chính hãng có nhiều linh kiện, đảm bảo điện áp khi sạc luôn ổn định. Trong khi sạc rởm, sạc làm giả những thương hiệu quen thuộc, mức điện áp thay đổi liên tục, lúc lên rất cao, lúc xuống thấp làm pin bị chai, phồng, gây ra cháy nổ.

“Do dòng điện vào không đều, nguồn và màn hình không được cung cấp điện ổn định dẫn tới tình trạng sập nguồn, màn nhấp nháy, hỏng cảm ứng… Khi dòng điện vào tăng vọt sẽ khiến cho con chip có thể bị hư hỏng, dẫn tới việc không còn kiểm soát dòng chuẩn đi vào. Pin vì thế cũng nhận dòng vào không ổn định, gây ra hiện tượng chai pin, tức là sạc có lên nhưng dùng thì sụt rất nhanh.

Các loại sạc “rởm” thường được bán với giá rất rẻ, từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc, trong khi những sản phẩm sạc đạt tiêu chuẩn, chất lượng có giá đến năm trăm ngàn đồng/chiếc , thậm chí cả triệu đồng/chiếc “, TS Thịnh nói.

Lợi bất cập hại từ sạc điện thoại rẻ tiền và cách phân biệt khi mua
Những chiếc sạc điện thoại giá rẻ, hoàn thiện kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ (Ảnh minh họa)

Sạc điện thoại thường cấu tạo bằng các IC, tụ điện hay điện trở rất nhỏ để hạ áp. Từ điện áp 220V trở thành điện áp 40V chỉ bằng những tụ điện nhỏ. Nếu sử dụng các linh kiện không đảm bảo chất lượng, chúng rất dễ gây chập, cháy.

Trường hợp xấu, linh kiện sẽ ngắt mạch, dòng điện sạc sẽ không phải là 40V mà là 220V. Khi đó, điện thoại có thể gây chết người khi cắm sạc. Chính nguồn điện không ổn định là nguyên nhân gây chập cháy linh kiện bên trong cục sạc, dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

“Những chiếc sạc điện thoại có giá quá rẻ dưới 200.000 đồng như vậy, độ an toàn rất thấp. Người dùng hãy thông thái, đừng ham rẻ để rước họa vào người. Nhiều tai nạn thương tâm vì sử dụng sạc điện thoại trôi nổi đã xảy ra, chủ yếu do chất lượng sạc kém”, TS. Trần Văn Thịnh nói.

Chọn sạc như nào cho đúng cách

Theo TS. Trần Văn Thịnh, để có thể lựa chọn được một nguồn sạc đúng cách, người sử dụng cần quan tâm về vấn đề thông số.

Theo đó, người dùng cần kiểm tra bằng cảm quan đối bên ngoài với chất liệu vỏ nhựa, màu sắc, phần chân cắm (Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng cấu thành chất lượng sản phẩm).

Người dùng cũng cần cầm và lắc nhẹ, nếu nghe thấy tiếng động lục cục bên trong củ sạc, tốt nhất bạn không nên mua bởi rất có thể đây là phụ kiện rởm. Phụ kiện xịn thường có chất lượng gia công cao, các cấu kiện bên trong được cố định chắc chắn. Khi cầm trên tay có cảm giác chắc chắn, đầm tay.

Đồng thời, người dùng cũng cần kiểm tra các dòng chữ in trên thiết bị. Phụ kiện có độ hoàn thiện cao, chất lượng tốt sẽ tròn vành rõ chữ, sắc nét. Với phụ kiện rẻ tiền, chữ có thể bị nhòe, khó nhìn, chỗ đậm chỗ nhạt, thậm chí sai chính tả.

Bên cạnh đó là kiểm tra các khe nối và nút bấm. Ở hàng xịn các khe nối sẽ khít, nút bấm cứng và có độ nảy. Trong khi đó hàng rởm khi ấn sẽ có cảm giác lỏng lẻo, thiếu chắc chắn, khe cắm lệch lạch.

Người dùng cần chú ý các ký hiệu liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Các thiết bị có gắn ký hiệu của các tổ chức châu Âu và Bắc Mỹ thường có chất lượng khá cao như CE, FCC, ROHS, ETL , UL TEST REPORT, MFi.

Ngoài ra, chúng ta chỉ nên mua phụ kiện về pin sạc ở các hệ thống cửa hàng lớn và có uy tín hoặc những thương hiệu có đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế được kiểm định và cấp phép bán tại những thị trường uy tín như Mỹ hay liên minh châu âu.

Sự khác biệt về chất lượng được thể hiện rõ nét ngay từ cách in ấn, bố cục và chân cắm của củ sạc giữa 2 dòng sản phẩm chất lượng và hàng trôi nổi

Theo Kỹ sư Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự, khi sử dụng cần thực hiện theo đúng những quy định khuyến cáo về dung lượng, dòng nạp, thời gian nạp. Cần dùng đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như dùng đúng loại đầu cắm sạc cho thiết bị. Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc sạc pin với nguồn điện 220V vì đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn. Pin sạc không dùng cho tất cả mọi dòng điện thoại. Hãy tìm hiểu kỹ nguồn điện, nhãn hiệu, cổng sạc… trước khi mua.

Nên chọn mua Sạc của những thương hiệu có đại diện pháp lý tại Việt Nam, có chính sách bảo hành rõ ràng minh bạch, ngoài ra Sản phẩm còn phải được dùng thử ít nhất trong thời gian 15 ngày sau khi mua, nếu phát sinh lỗi người dùng hoàn toàn được quyền trả lại sản phẩm. Đó là những chính sách đảm bảo về mặt chất lượng mà những thương hiệu lớn phải áp dụng khi bán sản phẩm.

Sử dụng sạc điện thoại cũng cần đúng cách, đừng chờ đến khi điện thoại hết sạch pin mới cắm sạc và cũng đừng chờ đến khi điện thoại báo đầy pin đến 100% mới rút sạc ra. Khi pin báo còn từ 15 - 25% nên cắm sạc. Khi sạc được khoảng 95 - 98% là nên rút sạc ra. Lý do là nếu sạc đầy đến 100%, tụ ngắt của điện thoại sẽ buộc phải hoạt động, lâu ngày sẽ làm chai pin. Hơn nữa, sạc quá lâu làm nóng điện thoại dễ khiến pin phồng lên…

Khánh IT
Phiên bản di động