Linh thiêng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ tại xứ sen Tháp Mười
Tưng bừng hội chùa Láng với nhiều nghi lễ truyền thống được phục dựng Tưng bừng khai hội chùa Láng 2023 Phục dựng các nghi thức truyền thống của Lễ hội Chùa Láng |
Cổng vào khu Di tích Lịch sử và Khảo cổ Gò Tháp |
Nét đặc sắc của lễ hội
Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ tại Gò Tháp (Tháp Mười, Đồng Tháp) là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng thờ Thần Mẫu của dân tộc Việt Nam từ nhiều đời nay. Đối với người dân vùng Tây-Đông Nam Bộ, Bà Chúa Xứ là người mẹ muôn người, là nữ thần hiện sinh của tình yêu thương và cũng là mong ước tìm về sự chở che, bảo hộ cho sự thịnh vượng, bình yên của muôn dân.
Ngày hội Vía Bà Chúa Xứ thu hút du khách thập phương về chiêm bái |
Miếu Bà được người dân địa phương chung tay xây dựng trên nền gò đất di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo cổ vào khoảng năm 1820. Ngôi miếu thờ Bà ban đầu chỉ được xây dựng bằng tre, lá và những tấm phên đan. Trải qua 2 đợt xây dựng và tôn tạo vào năm 1995 và 2014 với mục đích bảo tồn di tích khảo cổ phục vụ nghiên cứu, ngôi miếu đã được di dời và xây dựng lại kiên cố hơn bằng bê tông cốt thép với diện tích gần 240m2. Đặc biệt, năm 2014 đánh dấu sự thay đổi toàn diện của khu tôn miếu, bổ sung thêm các phần chánh điện, tả vu, hữu vu, cổng và hệ thống cây xanh, bồn hoa nhằm nâng cấp và mở rộng ngôi miếu đáp ứng nhu cầu cúng viếng, tham quan của người dân và du khách thập phương, nhất là trong các kỳ lễ hội.
Miếu Bà Chúa Xứ |
Đối với người dân xứ Tháp Mười, hai ngày hội lớn nhất trong năm là Rằm tháng 3 và Rằm tháng 11 Âm lịch hàng năm. Cứ đến hai ngày này, du khách, Phật tử khắp nơi nô nức đổ về trảy hội, dâng hương tỏ lòng thành kính tới đức Chúa Bà linh thiêng. Rằm tháng 3 Âm lịch là ngày vía chính của Chúa Bà, các nghi thức thờ phụng được ban tổ chức khu di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp triển khai tổ chức rất công phu nhằm gìn giữ vẹn giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời thông qua những nghi thức linh thiêng, tỏ lòng thành kính tới Thần nữ bảo hộ xứ này.
Người dân, Phật tử đã về từ trước hội vài ngày để đón chờ những nghi thức đặc biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu miền Đông - Tây Nam Bộ |
Lễ hội Bà Chúa Xứ Rằm năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Lễ hội diễn ra vào đêm ngày 15 và rạng sáng ngày 16 tháng 3 âm lịch, cùng với các hoạt động như Lễ tắm Bà, Lễ cầu an cúng Thần nông, Lễ thỉnh sanh. Mỗi lễ cúng đều có nội dung và nghi thức hành lễ khác nhau, được trình bày bởi người Chánh tế. Các nghi thức lễ phụ bao gồm học trò lễ dâng trà, dâng rượu, dâng hương và dàn nhạc lễ.
Khung cảnh ngày hội nhộn nhịp trong cung thờ Bà Chúa Xứ |
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ tại Gò Tháp không chỉ mang lại không gian văn hóa tâm linh và tín ngưỡng đầy huyền diệu mà còn là dịp để người dân giải trí và thư giãn sau những ngày lao động căng thẳng. Ngoài các hoạt động tôn giáo, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian đa dạng và phong phú như múa hát, trò chơi dân gian, ẩm thực, đờn ca tài tử, triển lãm về di sản văn hóa, thiên nhiên và con người Đồng Tháp.
Phần hội của lễ hội đậm nét văn hóa dân gian, giúp con người tạm quên đi những khó khăn trong cuộc sống và tìm đến với nhau bằng sự đồng cảm và hướng về cái thiện trong cuộc sống.
Tượng đài và đền thờ Anh hùng dân tộc - Thiên Hộ Võ Duy Dương |
Việc đề xuất Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cùng Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại khu di tích Gò Tháp được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương.
Đồng sen Tháp Mười quanh khu di tích Gò Tháp |
Trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo
Người dân dâng hương hoa quả phẩm cùng tấm lòng thành kính mong Thần Mẫu rộng lượng chở che |
Chuyện kể rằng, Bà Chúa đã bảo vệ Thoại Ngọc Hầu (1761–1829), một vị quan đại diện cho triều đình Việt Nam trong những ngày đầu chiếm đóng miền nam Việt Nam và có công trong việc tạo dựng và bảo vệ biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Tương truyền, vợ ông là bà Châu Thị Tế lên miếu Bà Chúa Xứ trên núi Sam cầu cho chồng đánh giặc, yên dân. Thoại Ngọc Hầu đánh đuổi được quân Khmer, Châu Thị Tế tỏ lòng biết ơn nữ thần bằng cách xây dựng lại miếu thờ bà. Đền xây xong, bà Tế cho mở hội kéo dài ba ngày, từ đó về sau lấy làm ngày hội chính hàng năm tưởng nhớ công ơn của Bà Chúa.
Trong quần thể khu di tích Gò Tháp, chùa Tháp Linh là một trong những điểm đầu tiên trong hành trình tâm linh |
Tương truyền, Bà Chúa Xứ được biết đến với sự linh thiêng kỳ diệu. Người dân đều tin tưởng nếu có bệnh lạ khó trừ hay nỗi lòng nặng trĩu mà biết tìm về cửa Bà sẽ luôn được Thần Mẫu hiển linh xoa dịu, chữa lành. Đối với dân chúng, Bà Chúa Xứ là Mẹ hiền từ - người bảo hộ con dân qua những tai ách khổ nạn của nhân gian.
Nhưng Thần Mẫu cũng nổi tiếng với sự nghiêm khắc oai linh với những kẻ bất thiện. Ví như quân Xiêm La khi xưa xâm lược nước ta, chúng cướp bóc hoành hành và thậm chí phá hoại ngôi miếu Thần Mẫu. Quân Xiêm xô đổ tượng thần, lăm le chặt đi cánh tay, cướp ngọc ngà châu báu trong Miếu. Bà Chúa Xứ đã ngay lập tức hiển lộ thần oai, khiến bọn chúng chịu quả báo, lìa đời chính tại hiện trường tội ác của quân thù.
Các cụ cao niên không quản ngại nắng nóng cùng nhau khăn gói hương hoa tìm về cúi đầu trước Thần Mẫu, cầu gia đạo bình an. |
Chị Nguyễn Thị Ngân (Cái Bè, Tiền Giang) cùng gia đình trảy hội Rằm tháng 3 tại khu di tích Gò Tháp cho biết: “Năm nào tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian dẫn các con, các cháu trong nhà đi lễ Bà Chúa Xứ vào ngày này. Đối với chúng tôi, Ngài là sự từ bi và đức độ, luôn răn dạy chúng sinh khuyến thiện phạt ác, tựa như người mẹ trong gia đình. Phật tử, du khách về đây luôn giữ cho tâm mình thanh sạch, mong cầu sự bình an và thịnh vượng, xin Chúa Bà che chở khỏi nạn tai mưa gió”.
Người dân đảnh lễ chư Phật trước khi vào Miếu Bà Chúa Xứ theo truyền thông 'Tiền Phật - Hậu Thánh" của người Việt cổ. |
Chị Bùi Nguyễn Phương Anh (Vancouver, Canada) chia sẻ: “Mình là người Tiền Giang đã xa nhà nhiều năm, làm việc tại Canada. Rất may mắn năm nay đúng ngày hội Vía Bà Chúa Xứ Rằm tháng 3, mình và ông xã có cơ hội trở về và tham gia lễ hội. Tuy rất đông người nhưng qua đó mình có thể thấy được sự linh thiêng của Bà Chúa và lòng tin yêu của dân chúng, các vị Phật tử gần xa. Đi hội Gò Tháp là một trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo của miền Tây Nam Bộ mà mình sẽ luôn nhớ mãi dù cho có ở nơi xa xôi xứ người”.