Làng Yên Phụ - Nơi lưu truyền thú chơi cá cảnh của người Hà Nội
Làng nghề trong phố
Đi dọc theo con phố Yên Phụ, du khách có thể nhìn thấy cổng làng Yên Phụ cổ kính xen giữa những ngôi nhà cao tầng hiện đại.
Khác hẳn với không khí ồn ào, tấp nập người qua kẻ lại của phố phường Hà Nội, nhưng làng Yên Phụ vẫn giữ được những nét đẹp rất bình dị, dân dã của làng quê Việt Nam.
Làng nghề cá truyền thống Yên Phụ ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội |
Trước đây, Yên Phụ còn có tên gọi là phường Yên Hoa, là một trong những cửa ngõ phía bắc của kinh thành Thăng Long. Do vị trí địa lý tiếp giáp với Hồ Tây và sông Hồng nên từ xa xưa, người dân làng Yên Phụ đã sống bằng nghề đánh cá và buôn bán cá cảnh.
Nói về nguồn gốc nghề nuôi cá cảnh tại đây thì ngay đến những bậc cao niên trong làng cũng không thể biết chính xác nghề có từ bao giờ. Chỉ biết rằng trong quá khứ, làng còn có thêm một số nghề khác như nghề trồng hoa và làm hương. Nhưng sau cùng chỉ còn nghề nuôi cá cảnh là tồn tại và được các hộ gia đình gìn giữ cho tới bây giờ.
Trong số những gia đình còn giữ nghề nuôi cá cảnh, gia đình ông Lại Văn Hồng (65 tuổi ở 48/56 Vũ Miên) đã làm nghề hàng trăm năm. Đây là một trong những hộ hiếm hoi còn lại của làng vẫn tự nuôi được cá cảnh theo cách truyền thống.
Gia đình ông Hồng là một trong những gia đình còn lưu giữ nghề truyền thống cá cảnh của làng Yên Phụ |
Ông Hồng chia sẻ, từ thời bố mẹ để lại, thì gia đình chỉ nuôi cá chọi, cá cờ, cá kiếm. Buổi sáng hằng ngày, ông phải dậy thật sớm để ra ao tù lấy mối thuỷ trần.
Nhà ông Hồng hiện vẫn còn giữ khoảng chục bể xi măng có “thâm niên” và hàng chục bể kính để nuôi cá. Đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát, ông Hồng là người cung cấp hàng vạn con cá cờ miễn phí để cấp uỷ, chính quyền và người dân diệt bọ gậy, chống dịch.
Ở làng Yên Phụ, ông Hồng được mệnh danh là “nghệ nhân nuôi cá - người duy nhất của Hà Nội ép được cá thần tiên đẻ”.
Ông Hồng là người duy nhất "ép cá thần tiên đẻ" ở Hà Nội |
Hiện nay, gia đình ông Hồng có khoảng 100 con cá thần tiên thuần chủng. Mỗi năm cá thần tiên đẻ 1 lứa với khoảng 10.000 cá con.
Ông Hồng cho biết, có thể nhiều nơi bán cá thần tiên, cá chọi, cá cờ… nhưng với cách chăm sóc từ đời xưa truyền lại, cá ở Yên Phụ được nuôi thuần chủng, nước máy thuần nên rất khoẻ, vì thế được nhiều người ưa chuộng.
Cũng giống như gia đình ông Hồng, gia đình ông Đặng Trường Giang (47 tuổi, ở số 4 Vũ Miên) kế thừa nghề truyền thống nuôi và kinh doanh cá từ thời cha ông.
Nhiều khách hàng từ xa tìm đến cửa hàng nhà anh Giang để mua cá cảnh về chơi |
Nhưng hiện nhà ông Giang còn rất ít bể xây, vì diện tích nhỏ nên gia đình anh chủ yếu sử dụng các bể cá bằng kính với khoảng 20 loại.
Theo ông Giang, để có thể theo nghề được lâu thì trước hết phải yêu cá, kiểm soát nguồn thức ăn, áp dụng phương pháp hiện đại và phải thích ứng với cơ chế thị trường bằng cách đầu tư những loại cá hợp với nhu cầu của người chơi…
Đại diện lãnh đạo phường Yên Phụ chia sẻ: "Ngày nay, Yên Phụ chỉ còn hơn 20 hộ theo đuổi nghề, nhưng chủ yếu buôn cá cảnh với nhiều giống cá nhập ngoại độc đáo, đắt tiền. Cá cảnh được đưa về cả bằng máy bay, trong những thùng, hộp bơm đầy ôxy. Chúng được nuôi bằng nước máy, bể kính trong suốt, sủi tăm liên tục ngày đêm, ăn thức ăn “fast-food”... Tuy nhiên, vẫn còn những giống cá thuần chủng của làng Yên Phụ như: cá vàng, cá kiếm, cá chọi... được những người yêu nghề truyền thống của ông cha gìn giữ".
Những loại cá được ưa chuộng và nuôi đến tận ngày nay |
Theo những người nuôi cá ở đây chia sẻ, công việc nuôi cá tưởng đơn giản nhưng thực ra lại vô cùng công phu, đòi hỏi người nuôi cá phải thực sự đam mê, cẩn thận, tỉ mỉ thì mới có thể làm được.
Hằng ngày, người nuôi cá phải dậy từ sớm, kiểm tra từng bể cá, vớt cá con, thăm bệnh và cho cá ăn.
Hồng Trần nuôi cá ngày nay rất khó kiếm |
Riêng cá con chưa ăn được giun thì họ phải ra ao hồ từ sớm để vớt hồng trần (tên dân gian của một loại sinh vật nhỏ như hạt bụi, nổi trên mặt nước vào sáng sớm), lọc lấy những con thật nhỏ cá con mới ăn được. Buổi chiều họ lại cho cá ăn và thăm bệnh rồi cọ bể, thay nước...
Yên Phụ đổi mới
Khi mức sống của người dân có phần cao hơn trước, thú chơi cá cảnh cũng thay đổi theo. Bên cạnh các loại cá truyền thống, các giống cá lạ từ nước ngoài nhập về được nhiều người săn đón.
Các hộ gia đình trong làng bảo nhau nhập thêm những loại cá có giá trị lớn như: Cá rồng, cá la hán hay cá chép koi của Nhật Bản. Việc nhập ngoại cá vừa khẳng định danh tiếng của làng nghề nếu như không muốn bị lãng quên, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Những con cá chọi truyền thống của làng Yên Phụ |
Đến làng Yên Phụ thăm những gia đình làm nghề, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những bể cá truyền thống làm bằng bê tông - sàn lát bằng xi măng và nuôi những giống cá đã gắn bó với làng Yên Phụ từ bao đời nay. Điều đó cho thấy người Yên Phụ không đánh mất bản sắc riêng của làng nghề mà chỉ thay đổi để thích nghi tốt hơn với thời cuộc.
Nhiều người yêu thích màn "chọi cá" truyền thống ở làng Yên Phụ |
Tuy nhiên, đứng trước những nguy cơ mai một nghề, chính quyền và người dân nơi đây mong muốn, nghề nuôi cá cảnh ở làng nghề Yên Phụ sẽ được chú trọng để gìn giữ, phát triển, góp phần bảo tồn nét văn hoá đẹp của người Hà Nội xưa.
Chia sẻ thêm về làng nghề, đại diện lãnh đạo phường Yên Phụ cho biết, điều đáng mừng là, 3 năm trở lại đây, ngoài gìn giữ thú chơi cá cảnh của người Hà Nội, trong làng đã thành lập câu lạc bộ chim vành khuyên sau một thời gian dài trở thành nơi hội tụ của các câu lạc bộ chim cảnh Hà Nội.
Nhiều người thích thú với những màn "thi chim" |
Bắt đầu từ những tiết mục chọi chim phục vụ lễ hội đình làng Yên Phụ hằng năm, giờ đây, nhiều gia đình trong làng đã nuôi huấn luyện chim và mang chim chọi đi các câu lạc bộ khác trong và ngoài Hà Nội để cọ sát.
Được anh em trong giới chơi chim chọi mệnh danh “nghệ nhân”, anh Đào Duy Thắng (Thắng Lăng) chia sẻ: “Chơi chim chọi là thú chơi tao nhã của người Hà Nội từ thời xưa. Từ nhỏ nhà tôi ở cạnh Lăng Bác, mỗi lần muốn xem hoặc mua chim chọi là lại đạp xe sang làng Yên Phụ. “Nghiệp chơi chim chọi” gắn với tôi từ đó đến nay. Nuôi và chơi chim chọi vành khuyên có nhiều cái thú vị. Ví như tôi trung bình chỉ nuôi chục con chim, nhưng con nào cũng có tên tuỳ vào đặc điểm của nó và chiến tích nó đạt được trong các cuộc thi chọi. Có con tên “mất phanh”, con “thắng lăng”, con thì tên “xoè mềm khuyết hoạ”…”.
Những màn "chọi chim" luôn khiến những "khán giả đăc biệt" thích thú |
Anh Vũ Tuấn Anh (Tuấn Phích) cũng là một người nuôi và chơi chim vành khuyên nổi tiếng ở làng Yên Phụ. Ngoài sưu tầm những giải lớn trong các cuộc thi chọi chim thì hiện anh Tuấn Anh còn là người nuôi nhiều chim chọi nhất Hà Nội. Theo chia sẻ, gia đình anh hiện thuê hẳn một căn nhà để chăm sóc 500 lồng với khoảng 1.000 con chim để cung cấp cho thị trường.
Được biết, hiện nay người dân có thể đến tận làng để mua những con chim vành khuyên của những “nghệ nhân” nuôi và chơi chim cảnh ở làng Yên Phụ. Tuy nhiên, có những con chim mà chủ không bán, mà chỉ biếu tặng. Đó là đối với những người yêu chim và đồng cảm trong niềm đam mê với thú chơi này.
“Mong muốn thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều du khách biết đến làng Yên Phụ với nghề nuôi và thú chơi chim chọi; ngành chức năng tổ chức thêm nhiều sân chơi, cuộc thi chọi chim… để vừa bảo tồn nét văn hoá đẹp của người Hà Nội, vừa thu hút khách du lịch; Đặc biệt là “truyền lửa” cho các bạn trẻ ngày càng yêu động vật và thú chơi lành mạnh”, anh Thắng và anh Tuấn Anh cho hay.