Làm rõ sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố
Bắc Ninh: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn chống dịch Covid-19 UBND tỉnh Bắc Giang triệu tập họp giữa ngày nghỉ ứng phó dịch Covid-19 |
Bổ sung mục đánh giá về kết quả thực hiện Luật Thủ đô
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sáng nay 1/8, ý kiến từ các đại biểu cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, có bố cục chặt chẽ, có nhiều hướng tiếp cận mới, đánh giá thẳng thắn những kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, dự thảo cần có thêm đề mục đánh giá về kết quả thực hiện Luật Thủ đô trên cơ sở xác định rõ vai trò “Hà Nội của cả nước, cả nước vì Hà Nội” để nâng tầm nội dung này, bên cạnh việc cần làm rõ, khái quát hơn đánh giá ưu điểm, kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong 5 năm qua.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, phần kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cần cô đọng hơn, trong đó làm nổi bật truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, ý chí quyết tâm chính trị của Đảng bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị |
Về phần các ưu điểm, đồng chí Tòng Thị Phóng cho rằng, cần đưa thêm nội dung về kết quả nổi bật là kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ, sự chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo, chỉ thị của Trung ương của thành phố; Bên cạnh đó, cần làm nổi bật điểm sáng về hoạt động của HĐND và UBND; Quyết tâm cải cách hành chính; Thành công trong phòng, chống dịch Covid-19; Nững nét khởi sắc trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quản lý đô thị thông minh, phát triển khoa học - công nghệ; Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; Xây dựng Nông thôn mới; Hiệu quả của các công trình phúc lợi xã hội, giữ vững an ninh, trật tự… “Báo cáo chính trị cũng nên đưa thêm nội dung đề xuất của thành phố với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách trong thời gian tới”, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, Hà Nội đang “xanh” đẹp hơn rất nhiều, do đó, dự thảo nên làm rõ, nêu bật nội dung và tiếp tục kiên trì theo hướng xây dựng “thành phố trong công viên” như kết quả đạt được trong 5 năm qua. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đề nghị làm rõ thêm vấn đề di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô; Cơ chế tạo thị trường khoa học - công nghệ để tiếp cận chủ động, thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Báo cáo chính trị của Hà Nội cần bổ sung thêm các ý như phát huy sức mạnh thời đại, sức mạnh của toàn dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng góp ý tại hội nghị |
Về mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, phần bối cảnh cần bổ sung thêm năng lực cạnh tranh của Hà Nội với các thành phố lớn trong khu vực thể hiện vai trò đầu tàu của cả nước. Phần mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể không nên đưa “nhiệm kỳ sau tăng hơn nhiệm kỳ trước...” mà phải phụ thuộc vào tình hình thực tế để đặt ra những con số, mục tiêu phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, có 4 vấn đề lớn mà Hà Nội cần phải quan tâm là hạ tầng, con người, môi trường, quản trị Thủ đô. Dự thảo Báo cáo chính trị cần đề cập và nhấn mạnh nội hàm xây dựng con người Thủ đô có tri thức, nhân ái, cao thượng và là biểu tượng của con người Việt Nam…
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, chủ đề đại hội còn thiếu thành tố phát triển, nhất là trong bối cảnh tương lai sẽ sửa đổi Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, bền vững, vì vậy cần bổ sung thành tố phát triển trong chủ đề đại hội.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển
Nhận xét chung về Dự thảo Báo cáo chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, nội dung của Văn kiện được xây dựng công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, bám sát được những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đối với nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nhấn mạnh thêm những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân Thủ đô. Đồng thời, nêu rõ Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu khá toàn diện.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội |
Cùng với đó, Dự thảo cần đánh giá sâu hơn những kết quả thực hiện các cơ chế đặc thù đã được Đảng, Nhà nước dành cho thành phố, nhất là việc thực hiện Luật Thủ đô, tiến độ thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt so với kế hoạch; Qua đó, có căn cứ để đánh giá, so sánh, làm định hướng cho giai đoạn tới. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, cần bổ sung cụ thể, chi tiết hơn sự chỉ đạo, quyết tâm và nỗ lực của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng như hệ thống chính trị thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020; Phát huy vị thế, vai trò, đóng góp cho quá trình phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần phân tích rõ hơn sự chủ động của Ban thường vụ Thành ủy trong lãnh đạo, ban hành, chỉ đạo, thực hiện các cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; Đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách Nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.
Bên cạnh sự chủ động của chính quyền địa phương, dự thảo cũng cần phân tích sâu hơn, cụ thể hơn về kết quả hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Trung ương cho thành phố. Những luật, chính sách pháp luật tác động trực tiếp tới sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực, như: Hệ thống giao thông vận tải; Thương mại, dịch vụ, du lịch; Giáo dục; Y tế…; Đồng thời, bổ sung thêm sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị |
Trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ còn nhiều khó khăn, thành phố cần rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn. Đặc biệt, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội còn nằm trong nhóm thấp. Dự thảo cần bổ sung đánh giá thêm hiệu quả hoạt động công vụ trong thời gian qua và cần chỉ rõ những lĩnh vực cần quan tâm để cải thiện trong nhiệm kỳ tới; Làm rõ được bức tranh chung và sức sống của các doanh nghiệp Thủ đô để đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với vai trò là vị trí trung tâm chính trị xã hội, một vụ việc nhỏ cũng có thể tác động lớn tới dư luận xã hội, dự thảo cần đánh giá chính xác, cụ thể những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Qua dự báo tình hình, cần cập nhật thêm những thời cơ, thuận lợi để có giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn phát triển thành phố.
Báo cáo cũng cần thể hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững: Phát huy tiềm năng lợi thế riêng của từng quận, huyện; Chỉnh trang, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng; Định hướng tập trung chính sách, nguồn lực phát triển đồng bộ các đô thị vệ tinh; Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; Phát triển đô thị phải gắn liền với kinh tế đô thị…
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, các ý kiến đóng góp hết sức chất lượng. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và với tinh thần cầu thị cao nhất để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.