Kỳ 3: Thông tin quảng cáo sản phẩm của Trung tâm Cô Đỗ như "giăng bẫy"
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng đó để “lách” luật “lòe” người tiêu dùng. Một trong những chiêu trò đó là “thổi phồng” công dụng sản phẩm, in sai nhãn mác gây hiểu nhầm là thuốc điều trị…
Sản phẩm Viên uống trị nám Codo không phải là thuốc nên không có công dụng điều trị |
Trung tâm Cô Đỗ là một trong số đó khi bạo tay quảng cáo thực phẩm thường như thuốc điều trị, thậm chí là "thần dược".
Điều này đã được phản ánh trong những kỳ trước.
Đáng nói là khi PV Tuổi trẻ & Pháp Luật vào cuộc để làm rõ nhiều nghi vấn thì mới vỡ lẽ những điều phản ánh của bạn đọc là hoàn toàn có cơ sở.
Ví như viên uống trị nám không có tác dụng điều trị như trên bao bì đã ghi, sản phẩm không có giấy công bố là thuốc hay thực phẩm chức năng. Thậm chí sản phẩm đã ngừng sản xuất như theo như đại diện của Trung tâm Cô Đỗ (ông Ngô Văn Ngọc) cho biết.
Sử dụng hình ảnh của các chuyên gia về lĩnh vực Đông Y để tăng độ tin cậy |
Khi truy cập vào website https://trinamcodo.com/, viên uống trị nám Codo được Trung tâm Cô đỗ giới thiệu đầy hứa hẹn: “Với bí kíp gia truyền nhà Cô Đỗ, cùng sự nghiên cứu của Trung tâm ứng dụng thực nghiệm viện y học cổ truyền sẽ giúp bạn hoàn toàn thoát khỏi nám, tàn nhang một cách triệt để”.
Để nhiều khách hàng yên tâm, trang web này còn sử dụng các hình ảnh của các Giáo sư, Tiến sĩ như: PGS.TS Phạm Xuân Sinh - Chủ nhiệm bộ môn Dược học Cổ truyền - ĐH Dược Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giáo sư Đỗ Tất Lợi - tác giả bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, kèm theo đó là dòng chữ: Chuyên gia nói gì về trị nám đông y Codo.
"Mạnh tay" quảng cáo là vậy, nhưng sau khi Tuổi trẻ & Pháp luật đăng bài phản ánh thì trang web bất ngờ đổi số điện thoại đường dây nóng; sáng 27/8 trang web trên lại báo lỗi.
Trang Web https://trinamcodo.com bất ngờ báo lỗi sau bài phản ánh. |
Tiếp tục ghi nhận, PV truy cập những website: http://myphamcaocapmocha.vn/kem-duong-da-mat/cham-soc-toan-than/tang-can-dai-bo-sam-codo.html và https://yhoccotruyenvn.vn/serum-mo-tham-da-nang-phuc-minh-tam/tang-can-dai-bo-sam-codo-co-tot-khong.html. Các trang web này giới thiệu sản phẩm: Đại Bổ sâm Codo như một “thần dược” có thể kích thích ăn ngon miệng, cân bằng dịch vị dạ dày, thải độc tố và bài tiết tốt, hết táo bón, điều trị trĩ nội… Cam kết tăng từ 1-3 kg chỉ trong 15 ngày… Ngoài ra, trang web này còn sử dụng rất nhiều tin nhắn, lời cảm ơn, lời chia sẻ của bệnh nhân để quảng cáo tác dụng của sản phẩm Đại Bổ Sâm Codo…
Trên Facebook cá nhân của giám đốc Đỗ Thị Lan Hương thường xuyên đăng thông tin về các sản phẩm và giới thiệu như thuốc Đông Y |
Có thể thấy, các web trên đều có chung mô típ quảng cáo với nhiều bài viết, tin nhắn, hình ảnh, video dưới dạng chia sẻ của bệnh nhân được đăng tải, chủ yếu nói về sự khác biệt về tình trạng bệnh trước và sau khi sử dụng sản phẩm như thế nào, công dụng của sản phẩm được “thần thánh” hóa ra sao.
Sản phẩm Đại bổ sâm Codo không phải là thuốc Đông Y hay thực phẩm hỗ trợ sức khỏe như một số trang web quảng cáo vì vậy người tiêu dùng cần cẩn trọng khi sử dụng. |
Theo các chuyên gia, việc quảng cáo thực phẩm thường mà có nhiều tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ gây ra hiểu nhầm rất lớn cho người tiêu dùng. Không ít người bệnh vì tin lời quảng cáo, đã bỏ khá nhiều tiền ra mua để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Việc các DN “lập lờ đánh lận con đen” như vậy, có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”. |
(còn nữa...)