Kinh tế khó khăn, phải tiếp tục cắt bỏ thủ tục làm khó doanh nghiệp
Các doanh nghiệp từ chối gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng vì sợ thanh tra Miễn giảm, gia hạn thuế hơn 148.000 tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp |
Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Trong đó, năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2021, tính bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ở chiều ngược lại, mỗi tháng cũng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Năm 2022, bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ở chiều ngược lại, mỗi tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong 9 tháng năm 2023, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn có trên 165 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó đa số là doanh nghiệp thành lập mới (trên 116 nghìn doanh nghiệp).
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (165,2 nghìn doanh nghiệp) vẫn lớn hơn số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường (135,1 nghìn doanh nghiệp), cho thấy lực lượng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, là một kết quả đáng ghi nhận khi đặt trong bối cảnh quốc tế, trong nước có rất nhiều khó khăn, biến động.
Cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... |
Về mặt thuận lợi, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm 2021 - 2025.
Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian hỗ trợ của Nghị quyết chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn. Trong đó, đối tượng doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi, giảm bớt khó khăn để sớm quay trở lại đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở trong nước; các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất khu vực, thế giới thời gian tới cho thấy thị trường trong nước tương đối lớn, tiềm năng phát triển cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ.
Cùng với đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút FDI, đặc biệt trong xu thế chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất hiện nay.
Về mặt khó khăn, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột gia tăng, các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp… góp phần làm chậm quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, thậm chí gây ra tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ khiến tổng cầu thế giới suy giảm, nhất là những thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc…
Tác động này ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp khiến đơn hàng sụt giảm, cạnh tranh gia tăng gây khó khăn cho cả doanh nghiệp đang hoạt động và sự hình thành của các doanh nghiệp mới. Ngoài ra, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt sản xuất kinh doanh và đến nay hậu quả còn kéo dài, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Cùng với đó, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số nhanh chóng, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, dần dần trở thành điều kiện tiên quyết, là thách thức cho cả doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp mới thành lập.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cho rằng, thủ tục hành chính còn nặng nề, rườm rà, quy trình thanh tra, kiểm tra chưa được số hóa mạnh mẽ gây mất thời gian, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Do đó, Tổng cục Thống kê kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung rà soát quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh (xác định rõ quy định pháp luật cụ thể còn bất cập, vướng mắc, thẩm quyền xử lý) để chủ động sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với diễn biến, tình hình mới.
Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia; kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, doanh nghiệp.