Kinh doanh sa sút, Tôn Hoa Sen lại muốn làm cảng biển
Hoa Sen trong vòng xoáy nợ nần Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục đóng cửa thêm 40 chi nhánh Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục đóng cửa thêm 10 chi nhánh |
Theo đó, Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua chủ trương góp vốn theo hình thức mua cổ phần để thành lập Công ty CP Cảng Quốc tế Hoa Sen. Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen góp 4,9 tỷ đồng, tương đương với 49% vốn điều lệ của Cảng Quốc tế Hoa Sen.
Theo thông tin được Tập đoàn Hoa Sen công bố, công ty mới có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, các hoạt động kinh doanh được mô tả chi tiết là dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải đường biển, cung ứng tàu biển, lai dắt tàu, kiểm đếm hàng hoá, logistics, khai thuế hải quan...
Bên cạnh đó, công ty mới thành lập có vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng còn kinh doanh thêm khoảng 30 ngành nghề khác bao gồm bán lẻ ô tô con, buôn bán nhiên liệu, vận tải hành khách (taxi, ven biển, thủy nội địa, viễn dương), du lịch, vận tải hàng hoá,...
Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen đã thoái vốn tại dự án Cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen do hiệu quả kinh doanh thấp, dù đây là cảng có tổng diện tích 55 ha, với chiều dài bến là 300m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 70.000 DWT.
Theo kết quả kinh doanh đã soát xét của 6 tháng thuộc niên độ tài chính 2018-2019 (từ tháng 10/2018 đến tháng 3 năm nay), doanh thu thuần của Tập đoàn Hoa Sen đạt 14.457 tỷ đồng, giảm gần 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 116 tỷ đồng, giảm 313 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính, đến thời điểm hết tháng 3/2019, nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 13.139 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 9.877 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.262 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ông Lê Phước Vũ là 5.226 tỷ đồng, tức chỉ bằng 2,5 lần nợ phải trả.