Kiều bào và ước vọng về quê hương
Chủ tịch nước và phu nhân cùng kiều bào thả cá tiễn ông Táo, dâng hương tại điện Kính Thiên Kiều bào đóng góp toàn diện cho các lĩnh vực phát triển đất nước Ấm áp “Xuân Quê hương 2023” |
Những trái tim, khối óc người Việt luôn hướng về Tổ quốc
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đa phần bà con có cuộc sống ổn định, hội nhập và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, có nhiều trí thức và doanh nhân thành đạt. Nhiều người thường xuyên về Việt Nam, tham gia mọi mặt của đời sống xã hội trong nước như: đầu tư, kinh doanh, làm việc, khoa học công nghệ, giáo dục, từ thiện, nhân đạo...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm với kiều bào về vui xuân Quý Mão |
Tại buổi gặp gỡ và vinh danh tập thể, cá nhân người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài năm 2022 vào sáng 14/1 trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho hay, dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc.
Các doanh nhân, trí thức đồng bào ta ta ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước. Trong số những người Việt sinh sống ở nước ngoài, có hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng như: Nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…
Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỉ USD; dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.
Nhiều cá nhân, tập thể kiều bào được Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh |
Trân trọng những đóng góp của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: “Kiều bào ta trong những năm qua luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, đoàn kết, khẳng định vị trí của người Việt ở nước sở tại và quan trọng hơn là luôn hướng về quê hương, đất nước. Những giá trị tốt đẹp vậy, dù đi đâu, ở đâu, đều được phát huy, an tỏa truyền thống Việt ở nước sở tại.
Điển hình như phong trào dạy và học tiếng Việt đã thực sự có ý nghĩa quan trọng, lan tỏa cho các thế hệ Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết cội nguồn, giá trị văn hóa của dân tộc; tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và nước sở tại; Phong trào giúp nhau làm ăn, giang rộng cánh tay đón đồng bào bị nạn trong cuộc xung đột Ucraina-Nga đã tô thêm truyền thống đùm bọc lẫn nhau “lá lành đùm lá rách”, góp phần làm sáng mãi tinh thần của người Việt trên khắp thế giới”.
Chủ tịch nước cùng phu nhân và kiều bào thực hiện nghi lễ thả cá chép, tiễn ông Táo chầu trời vào sáng 14/1 |
Kiều bào đề xuất nhiều chính sách về đất đai, quốc tịch
Thấy rõ những đóng góp quan trọng của kiều bào, nhiều năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm sâu sắc. Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hoá thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như: Quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động... nhằm hỗ trợ, chăm lo cho cộng đồng NVNONN đồng thời phát huy tinh thần yêu nước và nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào sinh sống ở Canada chia sẻ những mong muốn, tâm nguyện |
Gần đây nhất, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ quan trọng là: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN khi về nước làm việc, thường trú; Tạo điều kiện thuận lợi để NVNONN về nước, đầu tư, sản xuất, kinh doanh…; Giải quyết nhu cầu chính đáng của NVNONN liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36”.
Triển khai Kết luận 12 và Chương trình hành động của Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã rà soát chính sách pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau như: Lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong nước, các Hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài về chính sách pháp luật; Vận hành chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan” và tổ chức các tọa đàm với kiều bào tại các nước.
Tuy vậy, để phát huy hết nguồn lực của bộ phận người Việt ở nước ngoài, dịp này, nhiều bà con kiều bào đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến và đề xuất về các vấn đề như: chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, quốc tịch, căn cước công dân…
Chia sẻ với PV báo TTTĐ, ông Tài Phương, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào cho hay, gia đình ông nhiều năm sinh sống ở California (Mỹ).
Ông Phương nhận thấy: "Đa số bà con kiều bào đều có tâm nguyện muốn trở về Tổ quốc bởi dù đi đâu, làm gì thì quê hương trong họ vẫn “chỉ có một và chỉ một mà thôi”. Kiều bào là bộ phận không thể tách rời với cộng đồng trong nước nên chính sách đất đai, quốc tịch,.. cần được quan tâm để họ có cảm giác trở về nhà mình, an tâm đầu tư, lạc nghiệp".
Sau 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, vợ chồng ông Tài Phương sinh sống ở California đã có dịp trở về thăm quê hương |
Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào sinh sống ở Canada 20 năm nay mong muốn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào làm ăn, đầu tư trong nước.
“Theo thống kê hằng năm có từ 17-18 tỷ USD kiều hối đổ về trong nước. Đây là tiền tươi, thóc thật giúp cân bằng cán cân thanh toán ngoại hối của Việt Nam. Nhiều kiều bào muốn quay trở lại quốc tịch Việt Nam, những người trẻ thế hệ sau muốn trở về Việt Nam, mang quốc tịch Việt; Những người già, khi họ nằm xuống cũng muốn được nằm trên mảnh đất quê hương.
Hơn 5,3 triệu kiều bào là nguồn lực chất xám vô cùng lớn cho đất nước. Nếu phát huy được điều này bằng những chính sách thiết thực, đất nước sẽ vươn xa”, ông Bắc nêu quan điểm.
Anh Ngô Duy, sinh sống tại Mỹ cho biết: “Lần đầu tiên, tôi được tham dự Xuân Quê hương. Đây là một chương trình ý nghĩa, gắn kết bà con người Việt ở nước ngoài với quê hương, đất nước. Trong khuôn khổ chương trình, những chuyến thăm các di sản của đất nước, trao đổi, gặp gỡ thân tình với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội sẽ giúp kiều bào hiểu hơn về đất nước mình, từ đó, lan tỏa tinh thần, giá trị của người Việt tại cộng đồng nước sở tại. Tôi nghĩ, thời gian tới, cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động như thế này để có thể gắn kết đồng bào Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới, tăng thêm tình đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực to lớn của người Việt sinh sống ở nước ngoài”.
|