Chung sức, đồng lòng để xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường

Sáng 22/8, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024 đã được khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.
Hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Tham dự sự kiện có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc; lãnh đạo các địa phương và gần 500 đại biểu, kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chung sức, đồng lòng để xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện (Ảnh: Quang Phúc)

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Qua 3 lần tổ chức, Hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài.

Chung sức, đồng lòng để xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Quang Phúc)

Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như chương trình Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam, Ngày Tôn vinh tiếng Việt…, đưa các thế hệ người Việt xa quê trở về Tổ quốc, góp phần vun đắp tình cảm với quê hương, từ đó thổi bùng khát khao được cống hiến và chung tay góp sức cho sự phát triển của đất nước.

Theo Bộ trưởng, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chung sức, đồng lòng để xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường
Gần 500 kiều bào từ hơn 40 lãnh thổ, quốc gia tham dự sự kiện này (Ảnh: Quang Phúc)

Lượng kiều hối đạt 200 tỷ USD trong 30 năm

“Kiều bào là nguồn lực quan trọng quá trình phát triển đất nước” – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm.

Chung sức, đồng lòng để xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường
Diễn đàn sẽ là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…. (Ảnh: Quang Phúc)

Vì vậy, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3 năm nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

“Chúng tôi kỳ vọng, Hội nghị lần thứ 4 lấy trọng tâm là Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để chúng ta cùng rút ra những kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con” – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.

Thổi bùng ngọn lửa khát khao cống hiến cho đất nước của kiều bào
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng điểm lại những thành tựu của đất nước trong 30 năm qua, kể từ khi bị cấm vận, đồng thời, dẫn lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay...". Thủ tướng khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành với đất nước trong suốt chiều dài lịch sự phát triển đất nước: "Kết quả của đất nước hôm nay có sự đóng góp vô cùng lớn của kiều bào".

Thủ tướng cũng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là điểm quan trọng trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành cách đây 20 năm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng dẫn ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương đồng bào như bố mẹ nhớ những người con đi vắng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, song bản sắc, giá trị của dân tộc, giá trị của con người Việt Nam không thay đổi. Nếu có thay đổi thì chỉ có phát triển và đi lên.

Qua Hội nghị và Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ gửi gắm 3 thông điệp:

Thứ nhất là tiếp tục khẳng định, cộng đồng người VNONN là một bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chủ trương này xuyên suốt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ hai là đất nước kỳ vọng và tin tưởng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. "Tôi xin gửi lời tri ân tới các nhà khoa học, trí thức, bà con ở nước ngoài. Đất nước tự hào về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thứ ba là, chúng ta luôn nỗ lực nghe cho thấu, hiểu cho hết, nhìn cho rõ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.

Vì thế, theo Thủ tướng, cần phải phát huy hết vai trò, thể hiện tình cảm, sự tin tưởng và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đánh giá cao những phát biểu rất tâm huyết, trí tuệ của đại biểu kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cơ quan ngoại giao, các cơ quan chức năng liên quan tổng hợp đầy đủ, chủ động tổ chức thực hiện chức năng theo nhiệm vụ quyền hạn của mình, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, kinh doanh trong nước.

"Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Nhân dân trong nước là đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phát huy tối đa nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối, là động lực, là nguồn để thúc đẩy đất nước hội nhập sâu rộng với quốc tế; tiếp tục phát huy tối đa bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ những tâm huyết, trí tuệ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, ấm no, hạnh phúc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn:

Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Thổi bùng ngọn lửa khát khao cống hiến cho đất nước của kiều bào
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu

Ở TP Hồ Chí Minh hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Hoa Kỳ. Để có thể phát huy khả năng của các bạn, tranh thủ những công nghệ mới mà các bạn sáng tạo ra, tôi đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Có những doanh nhân công nghệ trẻ gốc Việt đã từng tiên phong sáng tạo ra những công nghệ mới chưa từng có trên thế giới nhưng khi họ đem về Việt Nam thì còn bị hạn chế bởi các chính sách của Việt Nam chưa tương thông với quốc tế.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam, điều này vô cùng quan trọng.

Thái Sơn
Phiên bản di động