Kiến nghị cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được giãn nợ
Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Quốc hội đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho bất động sản |
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (Ban IV) mới đây đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Theo đó, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đồng bộ việc xây dựng, thực thi các chính sách ưu tiên trước mắt để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ tiếp cận/hấp thụ vốn và giãn, hoãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đối với các chính sách tín dụng, bên cạnh việc hạ nhiệt lãi suất cho vay còn cần xem xét lại các điều kiện vay trong bối cảnh phục hồi, ví dụ theo hướng các ngân hàng thương mại đánh giá khả năng trả nợ tương lai thay vì chỉ nhìn vào tài sản thế chấp và một số điều kiện xét duyệt liên quan tăng trưởng như trước nay.
Ảnh minh họa. |
Đối với các chính sách tài khóa, xem xét thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, bao gồm các khía cạnh: Đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng Iớn, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vừa nâng cao năng lực của quốc gia; xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan không ban hành các quy định làm phát sinh các loại phí, chi phí mới cho doanh nghiệp ít nhất trong nửa cuối năm 2023.
Trong giai đoạn từ đầu năm 2024, với các quy định có tính chất phát sinh chi phí của doanh nghiệp, cũng cần các đánh giá tác động thật thấu đáo và toàn diện trước khi hiện thực hóa.
Trước mắt, có thể tính toán để giãn chu kỳ đóng thuế (bên cạnh chính sách giảm thuế) và chưa tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong giai đoạn tới, nghiên cứu để có chính sách thuế phù hợp hơn đối với từng nhóm quy mô doanh thu và ngành nghề doanh nghiệp.
Đối với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, Ban IV đề xuất đảm bảo lãi suất cho vay được giảm thực chất để tạo cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp, kết hợp với nghiên cứu cải thiện các điều kiện vay trong quá trình phục hồi.
Ban IV cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu thiết yếu/ưu tiên (như hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội, khu công nghiệp, văn phòng...) được giãn nợ/ giữ nhóm nợ theo tinh thần Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Bộ Tài chính, Ban IV đề xuất chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng việc trả về đúng định nghĩa "nhà đầu tư chuyên nghiệp", cụ thể hạn chế tối đa sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường phát hành riêng lẻ như thông lệ quốc tế...
Về việc này, ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ý kiến của Ban IV để chủ động triển khai các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.