Kiểm tra chuyên đề của Cảnh sát giao thông: Không phải muốn là được

Một trong những lý do để Cảnh sát giao thông (CSGT) được kiểm tra hành chính của người tham gia giao thông là có kế hoạch, chuyên đề. Tuy nhiên, người dân có được kiểm tra chuyên đề này hay không thì không phải ai cũng biết.
“Bông hoa Ban” của lực lượng CSGT Hà Nội Phạt 2,5 triệu đồng đối với tài xế “thông chốt” CSGT Thái Nguyên Hà Nội: Xử lý trên 430.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông

Có một thực tế là ngày càng nhiều tài xế khi bị dừng xe kiểm tra hành chính, ngay lập tức tỏ thái độ khó chịu với CSGT. Họ sẵn sàng yêu cầu lực lượng chức năng phải xuất trình kế hoạch, chuyên đề mới hợp tác.

Dư luận hẳn chưa quên việc nam tài xế ôtô ở Lạng Sơn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính đã có những hành động không hợp tác. Theo đó, tài xế có biểu hiện sử dụng rượu bia, yêu cầu tổ công tác mang các chuyên đề, kế hoạch công tác để xem và chụp ảnh.

Sau đó, nam tài xế liên tục sử dụng điện thoại ghi hình, phát trực tiếp trên facebook hơn một giờ với lời lẽ thiếu tôn trọng lực lượng làm nhiệm vụ.

Việc “đòi xem” kế hoạch, chuyên đề mới hợp tác của nam tài xế ở Lạng Sơn cũng như nhiều tài xế khác không phải chuyện hiếm gặp. Nhưng theo pháp luật hiện hành thì hành động này không phải “muốn là sẽ được”.

Người dân cơ bản chấp hành hiệu lệnh của CSGT
CSGT Hà Nội thực hiện nhiệm vụ

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên trao đổi với cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội được biết, Điều 4 Thông tư 54/2009/TT-BCA ngày 2/10/2009 (có hiệu lực thi hành đến 16/1/2020) quy định: Công an nhân dân (trong đó có CSGT) phải thông báo nội dung công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, song không phải công khai.

Công an nhân dân phải thông báo để Nhân dân biết:

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông:

a) Tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

b) Trang phục và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ;

c) Nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình tuần tra kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông và dẫn đoàn;

d) Các trường hợp được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát;

đ) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông.

Như vậy, Công an Nhân dân không phải công khai chuyên đề, kế hoạch tuần tra.

Kiểm tra chuyên đề của Cảnh sát giao thông: Không phải muốn là được

Để tránh gây tranh cãi trong nhân dân, ngày 28/1/2019 Bộ Công an ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã mở rộng những nội dung cần phải công khai trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:

Điều 5. Nội dung công khai của Công an Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:

a) Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

b) Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

c) Trang phục, số hiệu Công an Nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

d) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

Điều 6. Hình thức công khai của Công an Nhân dân

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

2. Đăng Công báo.

3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an Nhân dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định mới, người dân có quyền xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát, chuyên đề của CSGT thông qua các hình thức trên, tức là có thể kiểm tra trên các cổng thông tin trên và tránh hiểu nhầm rằng có thể kiểm tra chuyên đề hay kế hoạch khi trực tiếp khi làm việc với CSGT.

Hãy là một công dân hiểu biết pháp luật trước khi nghĩ đến chuyện lách luật để chống đối. Ranh giới giữa một người biết luật và chống đối người thi hành công vụ khi rất mong manh, nếu không tỉnh táo, rất có thể sẽ tự “chôn chân” mình.

Hoa Thành
Phiên bản di động