Khó trị nhất vẫn là "virus ý thức" - Bài 3: Cần thêm những “liều vaccine tự thân”

Trong khi chưa đủ vaccine để tiêm cho đồng loạt người dân thì chúng ta tự trang bị cho mình “liều vaccine ý thức” vừa có sẵn vừa không “tác dụng phụ”.
Khó trị nhất là “virus ý thức"- Bài 2: Thận trọng hơn với từng hành vi, lời nói của mình Khó trị nhất là “virus ý thức"- Bài 1: Một người lơ là, cả xã hội vất vả

Cần xử phạt nặng những kẻ trục lợi từ dịch bệnh

Ngay khi phát hiện ra những ca dương tính đầu tiên của làn sóng dịch thứ 4 này ở Vĩnh Phúc, quán bar Sunny nhanh chóng… nổi như cồn. Không chỉ tạo nên độ nóng khi xuất hiện tại các bản tin thời sự về Covid-19, lịch trình di chuyển, các ca mắc liên quan đến nơi đây, ở “trong dân gian”, trên mạng xã hội, tại các tin nhắn facebook, zalo, diễn đàn… người người nhà nhà hỏi nhau “có clip bar Sunny không”? Rồi những hình ảnh, clip cứ truyền tay truyền tai nhau, lan đi chóng mặt, rất nhiều người khẳng định đó chính là clip của địa chỉ nổi danh kia, khiến dân tình được phen “rửa mắt”.

Các bà các chị nhảy cẫng lên, bình phẩm loạn xà ngầu, về tra khảo các đấng ông chồng xem có đúng là đi bar thế không, đã từng đến đây chưa…? Những làn sóng ngấm ngầm làm xáo trộn tâm lý, phần nào ảnh hưởng đến một số gia đình, quy chụp chung cho các hoạt động kinh doanh tương tự làm cho tình hình dịch bệnh đã căng thẳng lại thêm xớn xác.

Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, công bố đó là clip giả mạo, nhiều người vẫn bán tín bán nghi, cho rằng đó chỉ là lấp liếm. Người thật việc thật được phơi bày, thủ phạm bị bắt tận tay, day tận trán, sự việc mới sáng tỏ như ban ngày, ai nấy đều hết xì xào.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Văn Thắng (ảnh internet)
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Văn Thắng (ảnh internet)

Báo chí đưa tin: Ngày 19/5, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Văn Thắng (SN 1992, trú tại phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) về hành vi “chỉ đạo đồng phạm sử dụng mạng internet để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng”. Thắng là kẻ chủ mưu vụ phát tán các clip giả mạo thác loạn ở quán bar Sunny ở TP Phúc Yên.

Đầu tháng 5/2021, Phùng Minh Tuấn (SN 1993), Đỗ Thành Đạt (SN 1994), Đặng Quốc Bình (cùng trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) là nhân viên của Thắng biết được tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vĩnh Phúc có liên quan đến quán bar - karaoke Sunny. Lúc này, Thắng đã tìm kiếm video đồi trụy, phản cảm, gắn nó liên quan tới quán này rồi đăng tải lên trang website vaobongtv.com và phổ biến, chia sẻ cho toàn bộ cho nhân viên trong công ty, chia sẻ lên mạng xã hội.

Là công dân của Hà Nội, trong lúc người người đổ về thành phố sau nghỉ lễ phải khai báo y tế, cả hệ thống kích hoạt tâm thế sẵn sàng ứng phó với nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lan tràn, lẽ ra phải chung sức đồng lòng, những đối tượng này lại lợi dụng thời cơ để “nước đục thả câu”. Điều này vừa thể hiện sự thiếu hiểu biết, không tôn trọng pháp luật, vừa thiếu ý thức vì cộng đồng. Những clip này như “đổ thêm dầu vào lửa” khi tình hình dịch bệnh phức tạp, vừa khiến xã hội nhiễu loạn.

Những hành động này cần nghiêm trị để tránh tạo tiền lệ, nâng cao ý thức, lối ứng xử và cả sự lịch duyệt của công dân Thủ đô. Là thế hệ trẻ, thành thạo công nghệ, không biết mang kiến thức và sức trẻ của mình ra làm điều tốt đẹp cho Hà Nội, họ còn tận dụng những thứ mình có để chuốc lấy tội lỗi. Mỗi công dân của Thủ đô, đặc biệt là công dân trẻ, nên ý thức sâu sắc vị thế của mình, đóng góp của mình với thời cuộc mà mình đang sống.

Chớ chủ quan mà trả giá đắt

Trong khi đó, mới chỉ cách đây mấy ngày, khi dịch bệnh đã hết sức căng thẳng rồi, thành phố áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch, thì sự việc tại vườn hoa bãi đá sông Hồng ngày 23/5 khiến người ta sửng sốt.

Nhân ngày mát trời, hàng trăm người đổ ra thư giãn, vui chơi. Người người ngồi sát nhau, cả trẻ con lẫn người lớn, thoải mái cười nói, bày đồ ăn đồ chơi ra, xếp hàng dài mua đồ ăn, như một buổi dã ngoại tập thể cách đây vài năm, khi chưa biết đến dịch bệnh là gì.

Hàng trăm người đổ đến bãi đá sông Hồng vui chơi bất chấp quy định phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh internet)
Hàng trăm người đổ đến bãi đá sông Hồng vui chơi bất chấp quy định phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh internet)

Nhìn cảnh tượng ấy, nhiều người thất kinh. Nếu nó ở một thời điểm khác, không gian khác, có lẽ đó sẽ là một bức tranh đẹp về cuộc sống thanh bình, thư thái, đủ đầy, biết hưởng thụ của người Hà Nội. Thậm chí, người ta còn ngợi ca, người ta còn rủ nhau tìm đến như một chốn sinh hoạt tập thể vui vẻ, thú vị của Hà Nội.

Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh lây lan chóng mặt, trong một ngày Hà Nội phải phong tỏa đến 5 tòa chung cư, nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, K, Thanh Nhàn, Bắc Thăng Long… đã có những ca bệnh, thì sự chủ quan kia thật đáng lên án. Vì mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch, do có nhiều kinh nghiệm từ những làn sóng trước, chính quyền đang kiểm soát tốt dịch bệnh, vẫn có những kịch bản được chuẩn bị trước cho mọi tình huống xảy ra nhưng không có nghĩa là chúng ta thờ ơ.

Bởi thực tế, kinh nghiệm xương máu cho thấy, chỉ cần một cá nhân không chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch là bao nhiêu người lao đao theo. Trong khi cả trăm người ngồi trong không gian ấy, chẳng may có một người mang mầm bệnh thì người lớn, trẻ con liệu có ai tránh khỏi cách ly? Rồi còn những người này khi trở về nhà, nơi cư trú, tiếp xúc hàng xóm, đồng nghiệp… thì thực sự nguy cơ nhân lên gấp bội.

Bài 3: Cần thêm những “liều vaccine tự thân”

Bãi đá sông Hồng đã bị xử phạt, buộc phải đóng cửa song không phải lúc nào chính quyền cũng phát hiện kịp thời để xử lí nghiêm được. Vẫn còn những người tranh thủ ăn vội vàng bát bún trước giờ cửa hàng phải đóng cửa, cắt vội cái tóc trước 12h ngày 25/5 thì còn tâm lý chủ quan và nghĩ “dịch bệnh nó sẽ chừa mình ra”.

Bên cạnh đó, trong các gia đình, không ít bà vợ đang than trời vì các ông chồng vẫn rình đi “nhậu chui” hoặc rủ người đến nhà chén chú chén anh cho đỡ thèm. Như vậy có nghĩa một bộ phận người dân Hà Nội này vẫn phòng, chống dịch theo kiểu đối phó, hình thức chứ chưa thực sự ý thức được sự nguy hiểm, cần thiết của các biện pháp 5K.

Khi các bác sĩ, nhân viên y tế có người ngất đi trong bộ đồ bảo hộ, có người cha mẹ mất không thể về chịu tang vì đang làm nhiệm vụ, khi những đứa trẻ bơ vơ vì bố mẹ người nằm giường bệnh điều trị Covid-19, người đi cách ly, khi chợ búa vắng teo, khi nhiều người thất nghiệp không có nguồn thu, không biết tuần tới, tháng tới tiêu bằng cái gì, thì ta còn được sống trong gia đình mình, trong ngôi nhà của mình, có việc để làm, có tiền để tiêu vẫn còn là một hạnh phúc vô bờ.

Bài 3: Cần thêm những “liều vaccine tự thân”

Vì niềm hạnh phúc ấy của chính mình, ý thức, ý thức và ý thức hơn nữa, hi sinh một số lợi ích, nhu cầu trước mắt, đó chính là cách mà ta đang giúp cho bản thân, gia đình, các cấp chính quyền cùng tạo nên sức mạnh để làn sóng thứ 4 này sớm qua đi. Khi cuộc sống bình yên trở lại, đó là khi hạnh phúc cá nhân vẫn nằm trọn vẹn trong hạnh phúc tập thể.

Vì thế, song song với những liều vaccine ý thức tự trang bị, chúng ta cũng sẽ tự tiêu diệt được con virus khó trị trong mỗi người.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động