Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực
Thủ tướng ra công điện yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh Doanh nghiệp Nhà nước cái gì cũng phải xin thì mất cơ hội kinh doanh |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 8 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023.
Báo cáo ghi nhận, đến cuối năm 2023 có 841 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, tuy nhiên, trong số này chỉ có 813 doanh nghiệp có số liệu báo cáo.
Qua báo cáo của 813 doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2023 cho thấy, tổng tài sản của các doanh nghiệp là 4.010.306 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này là 1.882.674 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2023.
Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp này là 1.752.736 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023, trong đó vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.587.405 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2023 đạt 2.761.271 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam |
Theo đánh giá của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cơ bản, các doanh nghiệp Nhà nước đã tiếp tục thực hiện tốt việc bảo toàn, phát triển vốn, tài sản, nỗ lực áp dụng công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty vươn lên về công nghệ mới, tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Các doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực mà DNNN tham gia, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cũng tích cực triển khai rà soát, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021-2025; triển khai rà soát, đề xuất phương án xử lý các doanh nghiệp trực thuộc, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.
Mặc dù vậy theo đánh giá của Chính phủ, một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Đồng thời, doanh nghiệp Nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam như ngành công nghệ cao, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc…
Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường.
Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn kéo dài tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa khiến tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu của kế hoạch đề ra.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, lãi phát sinh trước thuế chỉ đạt 217.788 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2023 là 12% (năm 2022 là 14%); tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tổng tài sản bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2023 là 6% (năm 2022 là 5%).
Về tổng nợ phải trả là 2.095.630 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 57% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp. Tổng giá trị các khoản phải thu là 605.045 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm 2023.
Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Đồng thời, thống nhất quản lý, theo dõi vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý vốn, hoạt động đầu tư kinh doanh, báo cáo, công khai thông tin về hoạt động và thực hiện kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, thực hiện vai trò là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.