Khó có phương án tối ưu về bảo hiểm xã hội một lần
Đề xuất tài xế xe công nghệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc Nghị trường Quốc hội "nóng" về quy định rút bảo hiểm một lần |
Cuối giờ sáng 23/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao.
Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, người sử dụng lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản.
Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia là vẫn có quyền để rút bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.
"Hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội sẽ theo hướng là người lao động có quyền về vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi luật có hiệu lực.
Trước đó, quan tâm đến nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, chính sách điều chỉnh rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ khả thi hơn nếu thực hiện dần từng bước kết hợp giữa giảm bớt quyền lợi hưởng và khuyến khích tiếp tục ở lại hệ thống bằng các ưu tiên khác.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). |
Do đó, những nỗ lực giảm tình trạng rút bảo hiểm xã một lần nên đi kèm với việc cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần quan tâm các chính sách cụ thể để giải quyết việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về giảm quyền lợi rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng cần thực hiện kết hợp giữa giảm một phần tiền được rút như phương án 2 hiện nay và tăng dần thời gian chờ khi rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về tăng quyền lợi khác, phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đều là người trẻ, chưa có tích lũy, đang trong giai đoạn nuôi con nên có thể cung cấp quyền lợi về trẻ em – đang là chế độ an sinh xã hội duy nhất còn thiếu trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Cũng theo đại biểu, để người lao động có thêm cân nhắc không rút bảo hiểm xã hội một lần, một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là phải thực hiện cách tiếp cận từng bước hướng đến hạn chế dần các động cơ rút bảo hiểm xã một lần, nhưng cũng không tạo ra sự thay đổi đột ngột trong chính sách.