Khi nào mới hết nỗi ám ảnh bị tạt axit
Công an TP Vinh, Nghệ An hiện đang xác minh việc bà N.T.H.V (SN 1973) trú phường Lê Lợi nghi bị tạt a xít.
Ngay sau sự việc trên, bà V được đưa vào bệnh viện cấp cứu với vết thương ở vùng mặt và cổ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 1 ca nhựa, trên nền nhà còn nhiều giọt nước nghi là a xít.
Hẳn bạn đọc vẫn chưa quên nhiều vụ việc tạt axit như Việt kiều Canada bị tạt axit, Thiếu úy phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy dùng axit trả thù người yêu hay thiếu nữ 17 tuổi bị tạt axit… đều để lại hậu quả khủng khiếp, gây chấn thương tâm lý, tàn phế suốt đời cho nạn nhân.
Hành vi tạt axit vào người khác là hành vi cực kỳ tàn độc, không chỉ xâm hại sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân bởi axit có tính sát thương rất cao, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đời sống sinh hoạt của nạn nhân, nặng hơn có thể bị mù, thành người tàn phế đối với cả nạn nhân nam và nữ.
Luật không quy định tội danh riêng cho hành vi dùng axit tạt vào người khác, mà Luật quy định hành vi dùng axit tạt vào người khác nằm trong biểu hiện của hành vi phạm tội thuộc “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, đối với hành vi tạt axit vào người khác, không cần phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật trên hay dưới 11% mới truy cứu trách nhiệm hình sự thủ phạm. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 30% thì người thủ ác sẽ phải chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân càng tăng thì mức phạt tù cũng tăng dần theo. Theo đó, tùy thuộc vào mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi tạt axit gây ra đối với nạn nhân mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 14 năm, nếu là một nạn nhân. Trong trường hợp hành vi tạt axit gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên, thì mức phạt cao nhất mà thủ phạm phải nhận là tù chung thân.
Thực tế, tội danh này có khung hình phạt cũng nặng, cao nhất là chung thân, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp: làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.
Nhiều luật sư đã phân tích, trong thực tiễn, nhiều vụ án xảy ra, tuy hậu quả không dẫn đến chết người nhưng thương tích trầm trọng đã để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng cho nạn nhân, cuộc đời họ rơi vào bế tắc, làm liên lụy đến nhiều người thân, công việc cũng bị ảnh hưởng bởi bề ngoài bị tàn phá này. Có thể nói, với những hậu quả từ axit, họ sống không bằng chết; thậm chí, có một số trường hợp không vượt qua được nỗi mặc cảm mà phải tìm đến cái chết. Chính vì vậy, cần thiết phải xử lý thật nghiêm đối với hành vi tạt axit gây thương tích, có thể áp dụng tội danh “Giết người” trong các vụ án loại này thì mức hình phạt mới được xem là tương xứng với hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu. Với độ đậm đặc của axit và lượng axit không giới hạn cũng như vị trí tạt trên người nạn nhân (đầu, mặt và các vị trí khác) thì việc họ còn sống là nhờ sự tiến bộ của khoa học, chứ không phải từ ý thức người phạm tội muốn để cho nạn nhân sống.
"Chợ hóa chất" vẫn hoạt động công khai, nên nhiều đối tượng dễ dàng mua axit một cách khó kiểm soát (ảnh minh họa, nguồn IT) |
Hiện nay, việc xác định yếu tố để cấu thành tội “Giết người” hay tội “Cố ý gây thương tích” của hành vi tạt axit này phần chính dựa vào ý thức của thủ phạm là chưa hợp lý và thích đáng. Đồng thời, với nguyên tắc xét xử theo hậu quả, nạn nhân không chết nên chỉ xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”, điều này là không công bằng đối với nạn nhân. Ngoài ra, trong khi các nạn nhân của những vụ tạt axit vẫn sống trong đau khổ, có người gần như bị hủy hoại cả cuộc đời thì thứ hóa chất chết người vẫn đang được mua bán thiếu kiểm soát. Vì thế, liên quan đến các vụ việc tạt axit, các luật sư cho rằng cần có một tội danh riêng dành cho những hành vi phạm tội mà có sử dụng axit làm phương tiện để gây tổn thương cơ thể cho người khác hoặc đưa việc sử dụng axit phạm tội sẽ là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ việc bán axit cho cá nhân, tổ chức, để không tạo điều kiện cho cái ác song song tồn tại, gây hoang mang trong đời sống.