Khi giới trẻ say mê số hóa di sản…

Những năm gần đây, ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia vào việc phục dựng, số hóa di tích, di sản, góp phần bảo tồn di sản văn hóa Việt. Điều này cho thấy, giới trẻ không hề “quay lưng” với với các giá trị truyền thống.
Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” Hà Nội phải đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa Giải pháp để Hà Nội xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản


Người trẻ tiên phong làm sống lại dòng tranh dân gian

Cách đây 6 năm, họa sĩ Trịnh Thu Trang (Đại học Kiến trúc) nổi lên như một gương mặt trẻ tiên phong trong việc làm mới dòng tranh dân gian Hàng Trống bằng mỹ thuật ứng dụng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Trịnh Thu Trang yêu mến và thấy gần gũi với những giá trị văn hóa truyền thống của một Hà Nội xưa cũ đã bị mai một, thậm chí mất hẳn; Trong đó có dòng tranh Hàng Trống - dòng tranh đặc trưng của thị dân Hà thành xưa song nguy cơ thất truyền rất cao.

Chị đã tìm đến các nghệ nhân như Lê Đình Nghiên để tìm hiểu và dần nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn vào thiết kế đồ họa của tranh Hàng Trống. Nhận thấy ngành thiết kế đang thiếu những nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt Nam, họa sĩ Thu Trang quyết định đúc kết các ý tưởng trên thành một cuốn sách, với mục đích tạo một kho nguyên liệu cung cấp mẫu họa tiết ứng dụng cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại; Đồng thời hy vọng lan tỏa đến các bạn trẻ.

Sau đó, nữ họa sĩ đã thành lập nhóm S - River quy tụ các thành viên trẻ có cùng cảm hứng để cùng biên soạn quyển Họa Sắc Việt, bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại. Các dữ liệu được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Từ đó đến nay, việc ứng dụng tranh dân gian với các mẫu họa tiết được sáng tạo từ đường nét của tranh Hàng Trống như: Họa tiết mây, cá, quạt, các kiểu họa tiết tròn, xoáy, hình hoa sen, hình thoi, họa tiết hình cóc... để thiết kế sản phẩm, trong đó có bao bì đã bắt đầu khởi sắc, tạo ra một xu hướng mới trong ngành thiết kế Việt Nam.

Khi giới trẻ say mê số hóa di sản…
Họa sĩ Trịnh Thu Trang say mê họa tiết tranh Hàng Trống

Nỗ lực tái sinh cổ phục Việt trong đời sống đương đại

Không chỉ dừng lại ở việc say mê và lan tỏa văn hóa dân gian, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng việc phục dựng các di sản. Trong lĩnh vực thiết kế thời trang, nhiều nhóm cổ phục đã ra đời, thổi một “làn gió mới” vào sàn catwalk, phim ảnh, MV… Đi đầu là nhóm Đại Việt Cổ Phong với các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam. Nhóm mong ước tái hiện văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác qua tranh vẽ, mô hình, phim ảnh... để cộng đồng có thể hình dung, cảm nhận được cảm quan thẩm mỹ của người Việt xưa.

Khi giới trẻ say mê số hóa di sản…
Cổ phục Việt được tái sinh qua bàn tay của các bạn trẻ

Khi sản phẩm đầu tay là bộ y phục thời Lê hoàn thành, những người đặt nền móng đầu tiên cho Đại Việt Cổ Phong như Phan Huy Lê, Cù Minh Khôi, Nguyễn Phương Đông, Nguyễn Thị Ngọc Huyền... chỉ nghỉ rằng mình đã hoàn thành một bộ trang phục thời Lê hoàn chỉnh như đúng những gì nó có cách đây hàng trăm năm và được ngắm nhìn đường nét, cách thức may đo mà người xưa đã từng làm là đã thấy hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi. Họ không ngờ, từ thành công ấy, phục hưng văn hóa cổ trở thành một trào lưu. Từ đó, trong nước xuất hiện thêm nhiều nhóm, hội mới có chung mong muốn: Đưa những nét đẹp cổ xưa trở lại đời sống đương đại.

Nguyễn Thị Ngọc Huyền, thành viên của Đại Việt Cổ Phong kể lại, khi hoạt động của nhóm đi vào ổn định, đam mê không chỉ dừng lại ở trang phục mà còn cả phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người Việt xưa. Họ đã đưa nhóm lên Facebook, lập một group tên là Đại Việt Cổ Phong với hàng triệu thành viên.

Khi giới trẻ say mê số hóa di sản…

Sau Đại Việt Cổ Phong, nhiều hội nhóm, thương hiệu cổ phục nối tiếp ra đời như: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Ỷ Vân Hiên, Vietnam Centre… cùng nhiều hoạt động gây được tiếng vang. Điển hình như Vietnam Centre tập hợp các du học sinh tại Australia với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm, phục dựng phục trang cổ Việt và in sách. Đáng chú ý là dự án “Dệt nên triều đại” trình diễn trang phục và tái dựng nghi lễ sắc phong hoàng thái hậu thời Hậu Lê đã gây sự chú ý không chỉ của người Việt trong nước, người Australia mà nhất là thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt tại nước này về một phần lịch sử văn hóa Việt.

Nhà văn Lê Ngọc Linh thay mặt nhóm cho biết: “Chúng tôi muốn cải thiện hình ảnh về Việt Nam để người nước ngoài và kiều bào biết đến như là một mảnh đất tràn đầy văn hóa và cởi mở ở Châu Á. Việt Nam không chỉ là một đất nước từng trải qua chiến tranh và có bánh mỳ”.

Đáng nói, với nhiều bạn trẻ, phỏng dựng trang phục cổ không đơn thuần để trưng bày mà quan trọng hơn là đưa những tác phẩm tái sinh ấy vào đời sống đương đại qua hoạt động trình diễn sân khấu, quay phim, MV, chụp ảnh, bán và cho thuê trang phục. Ỷ Vân Hiên do nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đức Lộc là một trường hợp điển hình.

Khi giới trẻ say mê số hóa di sản…
Cổ phục đã trở thành trang phục thường ngày

Ngoài những hoạt động như trình diễn tại các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm, Nguyễn Đức Lộc kết hợp với các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ để phát huy được giá trị của cổ phục Việt trong các tác phẩm nghệ thuật. Ỷ Hiên Vân đã kết hợp với ê kíp của ca sĩ Hòa Minzy trong MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" với vai trò là phụ trách trang phục. Toàn bộ nhân vật trong MV đều sử dụng cổ phục Việt. Tương tự, điều này cũng được thực hiện trong MV "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của nghệ sĩ Xuân Hinh. Một số MV cũng sử dụng cổ phục cho các nhân vật trong câu chuyện kể như "Tứ phủ" của Hoàng Thùy Linh, "Mặt Trăng" của Bùi Lan Hương…

Giới trẻ không “quay lưng” với truyền thống

Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Nguyễn Đức Lộc, founder của Ỷ Vân Hiên cho biết, trong mỗi thiết kế, anh coi trọng giá trị văn hóa hàng đầu và nhất quyết không chạy theo xu hướng thương mại. Trong khi kinh doanh cổ phục hiện giờ đang trở thành phong trào và được “công nghiệp hóa” từ mọi khâu thì chàng trai trẻ này cứ âm thầm, cần mẫn với từng đường kim, mũi chỉ, thêu tay.

Từng ngày, Lộc góp nhặt, tích lũy kiến thức với niềm đau đáu để giới trẻ không lãng quên lịch sử dân tộc, và để thế giới biết đến một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

“Có những bạn học sinh cấp 3, tích góp từng đồng, đến đây đặt thiết kế một chiếc áo 5 thân, đến những Việt kiều từ xa tìm đến, các vị đại sứ mặc cổ phục trong dịp trình quốc thư tại nước sở tại… Họ chọn cách khoác lên mình những trang phục như vậy vì họ hiểu phía sau đó là cả một câu chuyện thú vị về lịch sử, trang phục và nhiều điều xưa cũ tốt đẹp. Tương lai phải được kiến tạo từ quá khứ. Thế hệ trẻ hiện nay dù có mải mê chạy theo xu hướng nhưng nhất định phải coi văn hóa là cội nguồn”, Đức Lộc xúc động nói.

Bày tỏ quan điểm về sự quan tâm của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy chia sẻ, chúng ta đã và đang phát triển được rất nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, đặc biệt là trên các nền tảng số, rất nhiều trong số đó là của những bạn trẻ. Ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa “made in Việt Nam” phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Trên mạng xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm dạng phim ngắn, serie phim ngắn, phim sitcom do các bạn trẻ sản xuất với những tình huống thú vị, mang lại những bài học ý nghĩa trong cuộc sống; Những sản phẩm phim đồ hoạ 3D, 4D, hoạt hình hấp dẫn, giới thiệu về các triều đại lịch sử của dân tộc; Các phong tục, tập quán, lễ hội Việt Nam; Những video trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực…

“Tận dụng những công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công với việc quảng bá nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương trên không gian mạng. Những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa”, đồng chí Bùi Quang Huy nói.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội:

Giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển văn hóa vì chính sự năng động, sáng tạo của họ đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho các hiện tượng văn hóa. Từ đó, văn hóa phù hợp hơn với bối cảnh thời đại. Chúng ta thấy, nhiều sản phẩm nghệ thuật ngày hôm nay qua bàn tay, tài trí của giới trẻ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn của người dân thế giới. Ví dụ, những sản phẩm của các ca sĩ trẻ với chất liệu âm nhạc dân gian của Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc… đang rất được giới trẻ trong nước và thế giới quan tâm. Tôi nghĩ, sự sáng tạo đó cần trở thành xu hướng chứ không phải đơn lẻ. Để lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam, rất cần bàn tay, khối óc của giới trẻ.

Khi giới trẻ say mê số hóa di sản…

Những điều đó chứng tỏ, giới trẻ không hề “quay lưng” với các giá trị văn hóa truyền thống. Vì thế, hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta phải tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để họ chung tay, chung sức nhiều hơn với sự phát triển văn hóa của đất nước.

Bảo Phương
Phiên bản di động