Hà Nội phải đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa

Theo PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Hà Nội cần tạo lập cân bằng động giữa bảo tồn và phát triển, đi đầu cả nước trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa Cụ thể hóa việc phát triển công nghiệp văn hóa tại các làng nghề Quý III/2023, thực hiện giám sát việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô

Cần quan tâm đặc biệt đến Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa

Tại hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", vấn đề bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa một lần nữa được đặt ra trong việc phát triển ngành công nghiệp hóa của Thủ đô.

Theo GS Tống Trung Tín, chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long là "huyệt điểm” của quốc gia. Nơi đây đáp ứng đủ tiêu chí toàn cầu của UNESCO về di sản văn hóa thế giới. Di sản này là trung tâm quyền lực lâu dài nhất, với các minh chứng xác thực và gắn bó chặt chẽ với nhiều sự kiện lịch sử, trọng đại của đất nước. Do vậy, theo ông, vấn đề hiện tại đặt ra đối với Hà Nội là cần khôi phục nhanh chóng Điện Kính Thiên.

“Phải làm sao để kết nối khu Hoàng thành Thăng Long với phố cổ, với cầu Long Biên, với Văn Miếu để phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc của khu vực này”, GS Tống Trung Tín nói.

Hà Nội phải đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa
GS Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học Việt Nam

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cho hay, với định hướng nghiên cứu phù hợp, một mặt chúng ta phải giữ gìn, bảo quản tốt được các dấu tích kiến trúc cung điện các thời kỳ, mặt khác chúng ta phát huy được các giá trị ngàn đời của nó phục vụ cho cuộc sống hôm nay.

“Đó là vừa làm nhiệm vụ bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa của cha ông bao đời gây dựng và vun đắp; Vừa làm nhiệm vụ giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội là Thành phố vì hòa bình và Thành phố sáng tạo. Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đang trở thành điểm đến an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử của Thủ đô Hà Nội”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo này, vấn đề phát huy giá trị di sản Cổ Loa được đặt ra. Các chuyên gia đều nhất trí rằng, Cổ Loa với những giá trị phi vật thể, lễ hội, diễn xướng cần phải được quan tâm phục dựng, từ đó phát huy các giá trị văn hóa của tiền nhân đã gây dựng.

Hà Nội phải đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa
Ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long

Đừng để lãng phí tiềm năng...

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội hiện chưa có thái độ ứng xử đúng với di sản cha ông để lại.

Ông dẫn chứng thêm về việc sông Tô Lịch thơ mộng xưa nay không còn là niềm tự hào của người Hà Nội nữa. Trong khi đó, dòng sông cổ của Seoul (Hàn Quốc) lại thành điểm du lịch nổi tiếng. Hồ Tây của ta bị đô thị hóa và thu hẹp lại, làng đào Nhật Tân ra bờ sông trong khi Tây Hồ của Trung Quốc vẫn giữ được nét đẹp xưa kia. Đó là sự lãng phí tiềm năng tài nguyên di sản”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Hà Nội phải đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia

Trong khi Đà Nẵng có Lễ hội Pháo hoa, Quảng Ninh có Carnava nhưng Hà Nội chưa có lễ hội nào mang tầm quốc tế. Chính vì vậy, ông đề xuất Hà Nội nên đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, dẫn đầu cả nước để cả nước noi theo.

Ngoài ra, cũng theo TS Đặng Văn Bài, Hà Nội có thế mạnh nhất về làng nghề và du lịch, nên khai thác hiệu quả như Tour đêm Hoàng thành, nhà tù, phố cổ đang triển khai. Hiện, nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; Nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình du lịch của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm…

Kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại như là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội.

Hà Nội phải đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa
Tour du lịch đêm ở Hoàng thành Thăng Long

Ông cũng đề xuất, cần phải củng cố hệ thống bảo tàng, tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân ra đời và phát triển như Bảo tàng tinh hoa gốm Việt, Bảo tàng cựu tù chiến binh Phú Quốc…; Đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư; Tăng cường đầu tư kinh phí cho bảo tồn phát huy; Đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực quản lý đáp ứng thực tiễn những vấn đề đặt ra của Hà Nội; Phát huy mô hình công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, từ nguồn lực nhà nước, cộng đồng di sản, tạo ra sinh kế cho người dân.

Thái Sơn - Hương Giang
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động