Khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, nếu biết phối hợp, gắn chặt các điều kiện, tiềm lực, thế lực, vị thế, uy tín của chúng ta với thời cơ chiến lược, chúng ta dứt khoát mở ra và bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc...
Tổng Bí thư: Đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong nhiều vấn đề lớn của đất nước Vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước

Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây đã đề cập vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định, đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiến vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đây cũng là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng, hùng cường, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với thế và lực sau 40 năm đổi mới mà nước ta đã tích lũy được, có thể nói rằng đây là thời điểm chín muồi để đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận độngcủa cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, với vị trí, trọng trách của người đứng đầu Đảng, trong gần nửa năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều bài phát biểu, bài viết đưa ra thông điệp chứa đựng tư tưởng rất lớn.

"Đó là Nhân dân ta, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên tăng tốc bứt phá để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ này trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông điệp này, tư tưởng lớn này đã đặt ra để toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về kỷ nguyên mới", PGS.TS. Đào Duy Quát chia sẻ.

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, trong cuộc nói chuyện ở Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập rất nhiều về kỷ nguyên mới. Nhưng chúng ta nhìn chung đều quan niệm, nói đến kỷ nguyên tức là nói một chặng đường lịch sử phát triển nhất định của dân tộc, của nhân loại.

"Ở đây tôi muốn nói sự phát triển là về chính trị, kinh tế, xã hội. Kỷ nguyên ấy phải được đánh dấu bằng sự phát triển về chất, tức là từ lượng phải chuyển thành chất mới, phải được đánh dấu bằng những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra chất mới là đạt được mục tiêu và chuyển sang kỷ nguyên mới", ông Quát nói.

Khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới
PGS.TS. Đào Duy Quát (trái ảnh) chia sẻ tại tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức", ngày 27/12.

Với nhận thức này, Đảng ta trong Cương lĩnh 1991 cũng như Cương lĩnh 2011 đã sử dụng khái niệm kỷ nguyên. Cụ thể, trong lời mở đầu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng trình bày: Từ 1930, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn trùng thách thức và lập nên những thắng lợi vĩ đại. Cuộc cách mạng tháng 8/1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Đảng đã vận dụng khái niệm này và đã trình bày ngay trong phần mở đầu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.

"Chúng ta thấy chặng đường cách mạng từ khi Đảng ta ra đời năm 1930 đến 1945 đã mở ra cho dân tộc ta kỷ nguyên độc lập tự do. Từ năm 1946 đến 1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp kiến quốc, và đặc biệt là sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, lập nên kỳ tích lịch sử và mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa", PGS.TS. Đào Duy Quát chia sẻ.

Đến năm 1986, Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Sau 40 năm đổi mới, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vừa rồi là Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá, chúng ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại, tạo ra những tiềm lực mới, mạnh, thế lực mới, rất mạnh.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm còn phân tích trong bối cảnh thế giới có 2 đặc điểm rất đáng chú ý là toàn cầu hoá vẫn đang diễn ra, là xu thế không thể đảo ngược, dù có thăng trầm, tức là xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là rất mạnh.

Đặc điểm thứ hai Tổng Bí thư đã chỉ ra là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn chưa bao giờ gay gắt như bây giờ. Họ có thoả hiệp nhưng cạnh tranh, đối đầu ngày càng gay gắt, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực cả chính trị, kinh tế, công nghệ... cạnh tranh vừa lôi kéo, vừa đối đầu ngày càng gay gắt, quyết liệt.

"Tổng Bí thư có dự báo rất sắc sảo rằng cuộc cạnh tranh chiến lược này có thể kết thúc vào năm 2030. Lúc ấy có thể hình thành thế giới đa cực thay cho thế giới đơn cực xuất hiện sau năm 1991 khi hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tan rã", PGS.TS. Đào Duy Quát nhận định.

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, năm 2030 có thể hình thành thế giới đa cực, vừa tạo ra thách thức mới nhưng cơ hội mới cũng rất lớn. Đối với những quốc gia có trí tuệ, có vị thế, có chính sách đối ngoại đúng đắn sẽ có thể tận dụng, tranh thủ được sức mạnh của thời đại trong điều kiện này.

"Nếu biết phối hợp, gắn chặt các điều kiện, tiềm lực, thế lực, vị thế, uy tín của chúng ta với thời cơ chiến lược, chúng ta dứt khoát mở ra và bướt vào kỷ nguyên mới của dân tộc", PGS.TS. Đào Duy Quát nhận định thêm.

Thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị Trung ương 10 vừa rồi hoàn toàn nhất trí và quyết định đưa vào văn kiện của đại hội tới để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực sự bước vào với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt như các cuộc cách mạng để tạo ra bước phát triển bứt phá nhảy vọt.

Hậu Lộc
Phiên bản di động