Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm về xử lý tài sản bảo đảm tại Eximbank

Liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm tại Eximbank, ông Nguyễn Đình Tâm vừa kháng cáo toàn bộ Bản án Sơ thẩm số 54/2022/DS-ST ngày 16/8/2022 của TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng: Nhóm thanh niên hỗn chiến tại chân cầu Thuận Phước lãnh án tù Đà Nẵng: Nhân viên tín dụng lừa đảo 7 tỷ đồng của đồng nghiệp rồi bỏ trốn Đà Nẵng: Hoãn xét xử lần thứ tư vụ hàng xóm kéo nhau ra tòa vì 1,6m2 đất tường rào

Nguyên đơn cho rằng bản án không thỏa đáng

Ngày 15/7/2022, Tòa án Nhân dân (TAND) quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã đưa vụ án “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” ra xét xử. Nguyên đơn là ông Nguyễn Đình Tâm (người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần thương mại Công nghệ Bảo Trân) và vợ ông là bà Nguyễn Thị Huệ.

Trụ sở Chi nhánh Eximbank Hùng Vương tại đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng
Trụ sở Chi nhánh Eximbank Hùng Vương tại đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng

Bị đơn trong vụ kiện là Văn phòng Công chứng số 1 TP Đà Nẵng; Các bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND quận Hải Châu đã tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đình Tâm và bà Nguyễn Thị Huệ, về việc yêu cầu tuyên bố hai Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất được Phòng công chứng số 1 Đà Nẵng công chứng vì cho rằng, 2 hợp đồng đã bảo đảm điều kiện và có hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự quy định tại Điều 22, Bộ luật Dân sự 2005.

Tuy nhiên, ngay sau Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án, ông Nguyễn Đình Tâm đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Phía nguyên đơn cho rằng, rất nhiều tình tiết, bằng chứng cho thấy có dấu hiệu làm trái quy định của pháp luật từ phía Eximbank mà trực tiếp là cá nhân ông Nguyễn Viết Đại, Giám đốc Eximbank - Chi nhánh Hùng Vương, gây thiệt hại lớn cho gia đình ông nhưng chưa được HĐXX tòa cấp sơ thẩm làm rõ.

Đơn kháng cáo toàn bộ Bản án Sơ thẩm của ông Tâm và bà Huệ
Đơn kháng cáo toàn bộ Bản án Sơ thẩm của ông Tâm và bà Huệ

Cũng theo ông Tâm, nhận định của tòa án và quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên xét xử sơ thẩm là chưa khách quan, bởi việc chuyển nhượng tài sản của Eximbank có dấu hiệu trái quy định, nên việc HĐXX sơ thẩm tuyên 2 hợp đồng được Văn phòng Công chứng số 1 TP Đà Nẵng công chứng đã bảo đảm điều kiện và có hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự quy định tại Điều 22, Bộ luật Dân sự 2005 là không thỏa đáng.

Cụ thể, trong quá trình giải quyết khoản vay của Công ty Bảo Trân, ngày 24/12/2013, Eximbank đã ký Hợp đồng mua bán nợ số 54/VAMC-EXIMBANK cho VAMC. Theo đó, VAMC đã mua khoản nợ này là 5.487.646.000 đồng. Sau khi bán nợ cho VAMC, Eximbank không còn quyền đối với các tài sản bảo đảm của ông và bà Huệ, bởi ngân hàng đã bán khoản nợ này.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa vợ chồng ông Tâm với Eximbank là giao dịch dân sự có dấu hiệu vi phạm điều cấm của pháp luật
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa vợ chồng ông Tâm với Eximbank là giao dịch dân sự có dấu hiệu vi phạm điều cấm của pháp luật

Ngoài ra, khi Eximbank bán nợ cho VAMC nhưng không thông báo cho ông Tâm bà Huệ biết, mà tiếp tục đề nghị ký kết thỏa thuận ba bên. Eximbank yêu cầu chủ 2 tài sản là ông Tâm, bà Huệ ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng 2 bất động sản trên cho Eximbank để cấn trừ.

Cần làm rõ phạm vi chủ thể ủy quyền

Theo đơn kháng cáo của ông Tâm, nội dung của 2 Giấy ủy quyền số 109/2014/EIB/UQ-TGĐ và số 110/2014/EIB/UQ-TGĐ ngày 10/3/2014 thể hiện cá nhân ông Nguyễn Quốc Hương (Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) ủy quyền cho cá nhân ông Nguyễn Viết Đại, Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương.

Như vậy, chủ thể “Người ủy quyền” và “Người được ủy quyền” có mặt tại thời điểm ký kết tham gia với tư cách cá nhân, không nhân danh với tư cách tổ chức Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương.

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua khoản nợ của ông Tâm bà Huệ từ Eximbank
Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua khoản nợ của ông Tâm bà Huệ từ Eximbank

Bởi, tại phần nội dung ủy quyền, ông Hương ủy quyền cho ông Đại được quyền ký và sử dụng con dấu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương, trong khi ông Đại đang là đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương.

Tại phiên tòa, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng: “Ông Nguyễn Viết Đại đã thực hiện việc kí kết hợp đồng và sử dụng con dấu của Eximbank - Chi nhánh Hùng Vương là đúng phạm vi được ủy quyền. Việc ủy quyền này không trái với Điều 92, Điều 142, khoản 1 Điều 143, Điều 144 - Bộ luật Dân sự 2005... Theo đó, việc ông Đại đại diện Eximbank kí và sử dụng con dấu của Eximbank - Chi nhánh Hùng Vương để thực hiện 2 giao dịch trên là không vi phạm chủ thể tham gia giao dịch”.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt - Đoàn LS Đà Nẵng nêu quan điểm: Từ phạm vi chủ thể ủy quyền của 2 Giấy ủy quyền trên, ông Đại thực hiện ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở nêu trên giữa vợ chồng ông Tâm và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Hội sở, do ông Nguyễn Viết Đại là đại diện ủy quyền ký kết có dấu hiệu vi phạm về mặt chủ thể của giao dịch dân sự theo quy định pháp luật.

Cá nhân ông Nguyễn Viết Đại không có thẩm quyền ký kết 2 hợp đồng chuyển nhượng này vì ông Đại được ủy quyền với tư cách là cá nhân chứ không phải tổ chức được ủy quyền là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương.

Hợp đồng mua khoản nợ từ Eximbank của VAMC
Hợp đồng mua khoản nợ từ Eximbank của VAMC

Cũng theo Luật sư Phiệt: Đến nay, 2 tài sản của ông Tâm bà Huệ vẫn chưa được xử lý xong theo quy định pháp luật hiện hành vì liên quan Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tính đến tháng 8/2019 vợ chồng Tâm vẫn nộp một khoản tiền thể hiện trong Thông báo nộp thuế số 16744/TB ngày 21/8/2019 với số tiền 5.074.056 đồng (tiền thuế của 4 năm đối với nhà 67 Nguyễn Thị Minh Khai); Thông báo nộp thuế số 16745/TB ngày 21/8/2019 với số tiền 288.7805 đồng (tiền thuế của 4 năm đối với nhà 19B Nguyễn Thị Minh Khai).

“Căn cứ các quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu, thì 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên giữa vợ chồng ông Tâm với Eximbank là giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật”, Luật sư Phiệt nêu quan điểm.

Luật sư Phiệt nhận định, tại thời điểm ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng bất động sản thì quyền về tài sản đối với các bất động sản trên không còn là của Eximbank mà thuộc về VAMC (đơn vị mua khoản nợ của Eximbank từ năm 2013).

Ngoài ra, trong văn bản ủy quyền của VAMC cũng không thể hiện việc ủy quyền cho Eximbank hay ông Đại mua lại tài sản này, và đương nhiên VAMC cũng không chuyển tiền cho Eximbank hay ông Đại để mua lại tài sản của ông Tâm, bà Huệ.

Như vậy, Eximbank thực hiện việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của ông Tâm và chính Eximbank lại là bên mua tài sản đó. Trong khi Luật Tổ chức tín dụng không cho phép ngân hàng hoạt động kinh doanh bất động sản. Điều đó thể hiện ở việc, sau khi cấn trừ nợ, 2 tài sản bảo đảm của ông Tâm được đưa lên với giá 13.500.000.000 đồng.

Trong trường hợp đấu giá 2 tài sản của ông Tâm thành công thì số tiền chênh lệch 13.500.000.000 đồng - 5.487.646.000 đồng sẽ được chuyển cho VAMC, Eximbank thụ hưởng hay trả lại cho chủ tài sản là ông Tâm và bà Huệ. Theo đó, HĐXX tòa phúc thẩm cần làm rõ việc có hay không Eximbank kinh doanh bất động sản?

N.Dương
Phiên bản di động