Khám phá sơn mài trừu tượng cùng Vũ Trung
Năm 2000, giải thưởng "Ánh mắt trẻ" của Trung tâm Văn hóa Pháp được mở ra với mục đích tìm những họa sỹ trẻ Việt cho thiên niên kỷ mới. Giải Nhất của "Ánh mắt trẻ" thu hút khá đông bàn tay trẻ trung bởi cuộc du ngoạn sau khi đoạt giải là học bổng tại trường Ecole Nationale Superieure des Beaux-Arts cũng như đến các bảo tàng nghệ thuật tại Paris trong thời gian ba tháng.
Giải thưởng này lập ra đúng có 5 năm (2001- 2005) nhưng những ai dành giải Nhất cho tận đến thời gian hiện nay vẫn không hề chìm lẫn, bởi những hệ tác phẩm của họ sau đó còn trổ cành xanh lá.
Năm cuối cùng (2005), có lẽ là sự ngạc nhiên khi giải Nhất cuối cùng của "Ánh mắt trẻ" thuộc về một người… cực trẻ với nghề sơn, vừa mới tốt nghiệp đại học chuyên khoa sơn mài không lâu và lại là loạt tác phẩm sơn mài… trừu tượng.
Đó chính là họa sĩ Vũ Trung.
Thể loại sơn mài trừu tượng được tác giả này trung thành trong suốt nhiều năm với một số triển lãm cá nhân trong nước (chỉ có duy nhất một triển lãm cá nhân họa sỹ “thò tay” vào sơn dầu), còn lại là những triển lãm sơn mài trừu tượng từ 2005 đến nay. Ngoài ra tác giả còn đem sơn mài trừu tượng trưng bày cùng đồng nghiệp, đồng sự ở các triển lãm nhóm trong nước cũng như ở một số quốc gia khác .
Câu hỏi gần như đầu tiên của bất kỳ ai xem tranh mà trò chuyện trực tiếp với tác giả, thường là: "Tại sao anh lại vẽ sơn mài, mà lại là sơn mài trừu tượng như vậy"? Có lẽ ai cũng không hết ngạc nhiên nếu như họa sỹ luôn trả lời: "Tôi nghĩ rằng đặc trưng của chất liệu sơn mài rất gần với ngôn ngữ trừu tượng và tôi coi sơn mài không phải là mục đích, đơn giản chỉ là một chất liệu, phương tiện truyền tải mà ở nó có không ít dân tộc tính của… chính tôi. Nhưng muốn đến đâu ư ? Sơn mài thì luôn là sơn mài thôi, không có gì phức tạp cả".
Vậy người xem chúng ta sẽ nhìn thấy gì trong triển lãm mang tên như một câu cắt ngắn, từng nói đơn giản bao lần của tác giả: "Sơn mài là sơn mài". Liệu nơi muốn đến của tác gia Vũ Trung có phải là biển cả, bầu trời, hay đồng cỏ, đầm nước, ánh trăng, một đêm nhật thực, hay một đầm sen mùa đông hoặc một cánh rừng xứ tuyết nơi họa sỹ đã từng du hành qua đọng vào cảm giác sâu thẳm?
Nếu ta đến tận nơi xem ngắm, liệu tâm thức của ta có được “nhúng chìm” nhanh như chớp lửa, có thể so sánh như một loạt bản nhạc có chương hồi hẳn hoi nhưng lại hoàn toàn… không lời trừu tượng?