Khi điện mặt trời tỏa nắng

Công trình nhà máy điện mặt trời do người Việt làm chủ công nghệ đã “cân” toàn cảnh của một vùng cảnh sắc dưới chân núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, An Giang) quanh năm phủ bóng oai linh. Một chút lãng mạn và một chút ngẫm ngợi về sự kỳ diệu của mật nắng biên thùy để chúng ta có quyền nói lên điều đó.
Chính phủ sắp ban hành nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà Mở lối cho 154 dự án điện mặt trời để không kéo dài sự lãng phí

Tựa keyboard (bàn phím) khổng lồ, gần một triệu thanh phím tự bật lên những giai điệu trầm bổng theo biểu kiến mặt trời qua từng khung giờ trong ngày để tích hợp thành bản giao hưởng miền nhiệt đới.

Khi điện mặt trời tỏa nắng
Khung cảnh kỳ vĩ dưới chân Thiên Cấm Sơn.

Vẻ đẹp kỳ bí của năng lượng sạch

Không phải là tất cả nhưng khá phổ biến khi hầu hết hình ảnh của nhiều nhà máy điện mặt trời ở một số nơi kể cả các quốc gia trên thế giới mà chúng ta vẫn thường thấy là “sự lạnh lùng” và khô cứng của hàng trăm ngàn tấm pin đón nắng.

Song, ở nơi đây, có sự khác biệt lớn bởi vẻ đẹp của năng lượng sạch với kiến trúc xây dựng thật độc đáo đã toát lên sự diệu kỳ khó cưỡng.

Được bao bọc bởi thiên nhiên, công trình có bố cục nương theo địa hình và tận dụng tối đa hướng nhìn ra Tỉnh lộ 948 và cánh đồng lúa bát ngát phì nhiêu ở bên kia trục đường chính.

Khi điện mặt trời tỏa nắng
Du lịch xanh công nghệ cao đúng nghĩa từ hình thức đến nội dung.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Nhà máy điện mặt trời An Hảo tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang có công suất thiết kế 210Mwp, được xây dựng trên diện tích 275ha ngày càng phát huy hiệu quả.

Sau khi đường dây 110kV tuyến Châu Đốc - Tịnh Biên được nâng cấp, hoàn thành vào tháng 9/2022 đã tháo xích cho công suất của nhà máy lên lưới điện quốc gia đúng với thiết kế ban đầu.

Từ đó, Nhà máy điện mặt trời An Hảo đã góp phần không nhỏ vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cung cấp điện cho đời sống, sản xuất của cư dân vùng biên giới.

Khi điện mặt trời tỏa nắng
Vẻ đẹp siêu thực của bình minh qua điện mặt trời.

Ở mục tiêu kinh tế xanh, công nghiệp không khói, từ xuất phát điểm điện sạch, Nhà máy điện mặt trời An Hảo trở thành một trang trại điện mặt trời hiện đại, đồng điệu với thiên nhiên.

Vì vậy, việc nơi đây trở thành điểm tham quan lý tưởng về công nghệ cao, khám phá những cung đường uốn lượn men theo chân núi Cấm đã hiện diện trên bản đồ du lịch xanh của miền Tây.

Những lối mòn dân sinh len lỏi qua từng khu vườn cây ăn trái và những rẫy bắp, khoai xanh mơn mởn có sức hút mãnh liệt với những tín đồ đam mê khám phá.

Có một solar xanh và mát

Không nóng bức, không thô cứng như chúng ta thường nghĩ mà trái lại rất mềm mại theo độ dốc của địa hình và gần gũi, thân thiện.

Khi điện mặt trời tỏa nắng
Những chú cừu dạn dĩ, thân thiện vui đùa cùng du khách.

Cho đến nay, theo thời gian cái hay của nhà đầu tư cho công trình điện sạch điển hình này đang chứng minh cho thế giới thấy được sức hút của mô hình “đất kép” có một không hai.

Dưới tầng pin, thảm cỏ xanh mượt là thức ăn sạch cho đàn cừu hàng trăm con, lạc đà, thỏ, ngựa, bò… và sau khi no nê, những đàn gia súc “pet” lại hóa thân thành những con vật dễ thương đáng yêu làm “phông bạt” cho du khách tạo dáng chụp hình.

Nếu như năng lượng sạch đang rất cần “ bờ vai nương tựa” để bứt phá và du lịch sinh thái cần chuyển hướng để thích nghi, đáp ứng với “gu” của du khách luôn thay đổi “trend” thụ hưởng, thì có lẽ mô hình “solar” kết hợp với “farm” cần được khuyến khích và đánh giá đúng với vai trò hữu ích mang lại cho cộng đồng.

An Hảo solar farm, suy cho cùng đó là sự kết hợp đồng điệu hài hòa giữa tài nguyên bức xạ nhiệt ở biên giới An Giang với cảnh quan thiên nhiên đã được tối ưu hóa cho phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Nhu cầu phát triển du lịch trên đất nông - lâm nghiệp ở miền Tây còn rất lớn, trong khi mô hình “đất kép” không phổ biến nếu không muốn nói là chẳng dễ làm bởi điều kiện “cần” và “đủ” rất lớn của tạo hóa được phát huy bởi tầm nhìn của nhà đầu tư có năng lực thật sự.

Hậu Lộc
Phiên bản di động